-
NHÀ NƯỚC ƠI! QUÂN ĐỘI ƠI! TẠI SAO KHÔNG LÀM NHƯ THẾ?
(28/12/2012 09:12:51)
-
Anh Hoài Giang nguyên là lính Tăng thiết giáp, người luôn đau đáu những nỗi niềm trước sự hy sinh của biết bao anh hùng liệt sĩ mà đến nay gia đình vẫn chưa biết đích xác nơi các anh đang yên nghỉ, trong đó có người anh trai của anh! Hoài Giang đã viết khá nhiều thư đề nghị, góp ý lên Nhà nước và Quân đội về vấn đề này. Nay E24.com.vn xin trân trọng giới thiệu một trong những bài viết của anh, bởi đây cũng đồng điệu với chính kiến của chúng tôi về một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà Nước... (Bài dẫn đăng từ linhsinhvien.vnweblogs.com)
NHÀ NƯỚC ƠI! QUÂN ĐỘI ƠI! TẠI SAO KHÔNG LÀM NHƯ THẾ?
Hồ Tĩnh Tâm @ Hoài Giang |
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã giành thắng lợi cách đây hơn 30 năm. Đất nước đang ngày càng phát triển. Cuộc sống của nhân dân ta ngày thêm no ấm. Có được cuộc sống như ngày hôm nay, chúng ta không thể quên công ơn biết bao người đã anh dũng hy sinh để giữ lấy đất nước này.
Hơn 30 năm qua Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng quan tâm đến những người có công với nước, những gia đình thương binh liệt sĩ. Biết bao bà mẹ Việt Nam anh hùng được tôn vinh, được phụng dưỡng. Biết bao phong trào đền ơn đáp nghĩa đã dấy lên trong cả nước ta. Sự đền đáp đó vợi đi phần nào nỗi đau mất mát của những gia đình có chồng, con, cha, anh... đã ngã xuống vì Tổ quốc này. Ai ở vào hoàn cảnh của những gia đình liệt sĩ thì mới thấu hiểu nỗi đau mất mát ấy ngấm sâu đến chừng nào. Gia đình tôi cũng là một gia đình chịu chung hoàn cảnh ấy.
Anh trai tôi đi chiến đấu ở tuổi 17 và hy sinh khi sắp bước vào tuổi 20. Ngày ấy đang có chiến tranh nên Đảng, Nhà nước và Quân đội không thể thông báo cụ thể trong Giấy báo tử một cách chi tiết và chính xác về đơn vị chiến đấu và nơi hy sinh của anh tôi được! Không chỉ riêng mình anh tôi mà tất cả những liệt sĩ ở quê tôi sinh ngày ấy đều cũng chỉ được thông báo chung chung như vậy cả. Dân quê tôi hiểu rằng vì lý do bí mật quân sự nên không thể thông báo chính xác được. Nghĩ như vậy nên ai cũng mong đến ngày hoà bình, đất nước hoàn toàn giải phóng để được Nhà nước và Quân đội thông báo chính xác nơi người thân của mình ngã xuống và đơn vị của các anh đã từng sống chiến đấu. Để được vào nơi đó mà thắp một nén nhang trên nấm mộ của người ruột thịt hoặc chí ít ra cũng được thắp một nén nhang trên mảnh đất nơi các anh đã hy sinh cho đúng với thuần phong mỹ tục của người dân Việt. Vẫn biết chiến tranh là tàn khốc, là có sự mất mát hy sinh. Cũng có thể phần mộ của các anh không có, nhưng có sao đâu, miễn là biết được mảnh đất các anh ngã xuống cũng là đủ lắm rồi. Người dân quê tôi bao năm rồi mong đợi!
Thế rồi chiến tranh đã kết thúc. Hoà bình đã về với non sông đất nước đã mấy chục năm rồi. Người dân quê tôi vẫn mỏi mắt trông chờ những thông tin chính thức ấy về người thân của mình. Biết bao người cha, người mẹ đã vĩnh viễn ra đi mà không hề biết được nơi con mình đã chiến đấu và hy sinh. Mẹ tôi trước khi nhắm mắt xuôi tay chỉ trăng trối lại một điều: Hãy tìm cho được phần mộ của anh con để thắp cho anh một nén hương cho đỡ tủi vong linh anh!
Đã bao lần tôi đi tìm trong các nghĩa trang của Mặt trận phía Nam. Đã bao lần tôi dò hỏi tin tức, nhưng tất cả đều bặt vô âm tín. Nơi nào cũng trả lời không có tên anh tôi. Tôi cứ nghĩ rằng hồ sơ của anh tôi đã không còn nữa. Bạn bè, đồng đội của tôi đã hy sinh cũng đều giống như anh tôi, không ai có thông báo cụ thể về đơn vị chiến đấu, nơi hy sinh. Không tìm thấy mộ và cũng không biết nơi anh tôi hy sinh ở đâu, ngay cả đơn vị anh sống và chiến đấu cũng không hề biết. Nghĩ đến lời dặn của mẹ trước phút lâm chung, tôi không khỏi xót xa đau đớn.
Tôi vốn không tin những chuyện mê tín dị đoan, nhưng trước sự bí tắc không lối gỡ, đành tìm hướng khác để xem có thấy được anh tôi không? Tôi đã đi theo sự chỉ dẫn của Nhà ngoại cảm cũng giống như nhiều gia đình liệt sĩ đã làm.
Tôi đã tìm đến một số đơn vị Quân đội, Bộ chỉ huy quân sự và Sở Lao động Thương binh và Xã hội nhiều tỉnh. Tôi đã đọc được trong hồ sơ lưu trữ của các cơ quan, đơn vị này rất nhiều tư liệu về các liệt sĩ với đầy đủ thông tin chính xác một cách tuyệt đối. Tôi đã thấy danh sách của bạn bè, đồng đội cũ của tôi trong những tập hồ sơ ấy. Vậy mà gia đình các anh vẫn không hề biết các anh hy sinh ở đâu! Biết bao liệt sĩ trên khắp mọi miền đất nước, với đầy đủ quê quán, ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm nhập ngũ, ngày tháng năm vào chiến trường, đơn vị chiến đấu, địa bàn chiến đấu, ngày tháng năm hy sinh và nơi hy sinh.
Với đầy đủ tư liệu hoàn toàn chính xác về các anh như vậy, tại sao lại không có cơ quan nào thông báo về cho gia đình các liệt sĩ biết !? Tôi cũng đã tìm thấy tên anh trai tôi ở một trong những tập hồ sơ ấy. Tôi không tin vào mắt mình, vì cứ ngỡ rằng hồ sơ về anh tôi đã bị thất lạc nên Nhà nước và Quân đội không thông báo lại được. Vậy mà ở đây có đầy đủ mọi chi tiết về anh.
(nếu tôi biết được những thông tin này từ trước thì gia đình tôi đâu phải đau đáu đợi chờ. Đâu phải biết bao lần lặn lội đi tìm khắp các nghĩa trang trong miền Nam. Tôi đâu phải cậy nhờ đến Nhà Ngoại cảm. Và tôi cũng phải nói thẳng ra rằng Nhà Ngoại cảm đã chỉ hoàn toàn không đúng về nơi chiến đấu và hy sinh cũng như phần mộ của anh tôi. Liệu rằng những gia đình có liệt sĩ được tìm thấy nhờ Ngoại cảm nếu được đọc những thông tin về các anh như tôi thì sẽ nghĩ sao nếu việc tìm mộ ấy là không đúng như trường hợp của anh tôi? ).
Tôi tự hỏi tại sao các cơ quan chức năng không thông báo lại những thông tin chính xác về các liệt sĩ cho gia đình họ? Sự khát khao muốn biết nơi người thân của mình ngã xuống là hoàn toàn chính đáng và đúng với đạo lý của người Việt Nam ta. Dân ta vốn giàu lòng yêu nước. Sự mất mát hy sinh trong chiến tranh là điều không tránh khỏi. Nhưng những gì có thể làm được để vơi đi nỗi đau cho dân đấy là điều cần phải làm. Việc thông báo lại cho gia đình các liệt sĩ biết chính xác về các liệt sĩ là điều Nhà nước và Quân đội hoàn toàn có thể làm được và nên làm.
Tôi thấy mình sẽ có lỗi với những người đã ngã xuống vì mảnh đất này, nếu như tôi không làm được điều gì cho các anh. Làm sao để gia đình các liệt sĩ biết được nơi các anh đã chiến đấu và hy sinh !? Tôi quyết tâm làm điều đó và hy vọng rằng sẽ được dư luận ủng hộ. Tôi cũng tin rằng vong linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự sống còn của đất nước sẽ chứng kiến và phù hộ cho tôi làm việc đó! Tôi đã viết thư gửi chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để kiến nghị về vấn đề này. Cho đến hôm nay (25/3/2008) thư gửi đi đã 6 tháng rồi và tôi vẫn không nhận được hồi âm, có lẽ do các vị ấy bận quá nhiều việc dân việc nước nên những ý kiến nhỏ nhoi của tôi đề nghị chẳng nghĩa lý gì nên họ chẳng cần trả lời, tôi nghĩ chắc là như vậy! Tôi đã suy nghĩ nhiều và quyết định viết bài này gửi lên Vietimes với lời đề nghị của tôi:
- Đề nghị Nhà nước, Quân đội hãy thông báo lại những thông tin chính xác về các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (như những hồ sơ lưu trữ của các đơn vị quân đội, Bộ chỉ huy quân sự, Sở Lao động Thương binh & Xã hội các địa phương đang nắm giữ)
- Đề nghị Nhà nước và Quân đội hãy thông báo danh sách các liệt sĩ tại các nghĩa trang về quê hương và gia đình các liệt sĩ!
Nếu làm được hai việc trên:
- Sẽ tránh được sự lãng phí về tiền bạc, thời gian và sức khoẻ cho các thân nhân liệt sĩ vì phải đi tìm kiếm một cách không có cơ sở chính xác.
- Sẽ tránh được tình trạng một số người lợi dụng hồ sơ không rõ ràng để làm bừa. Để rồi nỗi đau lại chồng chất lên nỗi đau vì sự dối lừa.
Và rồi.... báo cũng chẳng hề đăng cái ý kiến đề nghị của tôi.
Tôi nghĩ rằng hay là chẳng còn có gì quan trọng nữa cả. Các anh ấy không còn nữa. Hoà bình đã đến với khắp nơi trên đất nước này rồi. Cái gì qua đi thì hãy cứ để nó qua đi… đừng níu kéo lại nó làm gì nữa! Các anh những người đã vĩnh viễn ra đi chắc cũng đang ngồi với nhau mà cười - cười cho cái gọi là sự quên của những người đang sống.
Hoài Giang
- 1 - Viết bởi Vũ Đình Luật Chung một niềm tin(08/02/2013 08:02:32)
- Cùng hoàn cảnh với Hoài Giang, với anh Sỹ Hồ, tôi cũng đã đi tìm anh mình trong niềm khát khao và hy vọng....cuối cùng tôi cũng đã tìm thấy anh mình trong tủ hồ sơ lưu trữ của Sư đoàn 5 QK7. Anh Sỹ Hồ, anh Mạnh Bình cũng mới chỉ công khai đăng tải danh sách các liệt sỹ sư đoàn 7, sư đoàn 9 hy sinh trong KCCM, vậy Sư đoàn 5 trong tủ hồ sơ lưu trữ còn "giam giữ" bao nhiêu linh hồn liệt sỹ nữa? Cuộc kháng chiến của dân tôc ta đã thắng lợi gần 40 năm rồi, những cái gì ngày xưa là bí mật thì hôm nay đâu cần bí mật nữa. Biết bao gia đình cùng chung hoàn cảnh như tôi còn đang đi tìm người thân trong vô vọng.... Cảm ơn anh Hoài Giang đã san xẻ.
- 2 - Viết bởi Vũ Trung Kien Cầu mong(27/01/2013 20:01:56)
- Hoài Giang :một CCB lính sinh viên,một em trai liệt sỹ .Cũng từ cái nguồn gốc ấy mà HG đã dồn hết tâm huyết cho những người con đã chiến đấu và nằm lại nơi khắp các chiến trường .Tìm mọi phương cách để làm vơi bớt nỗi đau của các thân nhân ,gia đình liệt sỹ Từng là một người lính chiến nên đã tôi rèn cho HG có một đức độ cao thượng,một bản lĩnh phi thường ,kiên quyết bảo vệ lẽ phải ,bảo vệ sự thật . Chiến tranh đã lùi xa nhưng tâm trí HG lúc nào cũng nghĩ về đồng đội ,về các chiến sỹ giải phóng quân năm xưa ,về những thân xác của các anh hùng LS và luôn luôn nhắc nhở mọi người phải giữ được đạo lý uống nước nhớ nguồn. Cầu mong vong linh của các anh hùng liệt sỹ luôn phù hộ ,độ trì để HG sớm đạt được TÂM NGUYỆN .(đó cũng chính là tâm nguyện của mọi người dân nước Việt)...
- 3 - Viết bởi Hoài Giang về lá thư này!(12/01/2013 16:01:33)
- Thân mến gửi chị Ngyễn Thị Hồng Lan và bạn Hoàng TK Thông! Rất cảm ơn các bạn đã đồng cảm và chia sẻ với tôi. Những lá thư tôi viết và gửi đi từ năm 2007 nhưng vẫn bặt vô âm tín. Tôi đã đăng loạt bài "Đi tìm mộ anh tôi" trên Vietim từ năm đó, phần cuối là bài này nhưng bài này ko thể đăng được vì "lý do tế nhị" . Các bạn nói tôi gửi thư cho Th Uyên ư? Thu Uyên và Ngô Thúy Hằng chắc cũng như tôi thôi, trong quá trình đi tìm mộ liệt sỹ ắt sẽ vào các đơn vị quân đội, các Sở LĐTBXH ... sẽ thấy nhiều danh sách liệt sỹ và chắc chắn sẽ nhiều hơn tôi lắm lắm. Các bạn ấy cũng muốn lắm chứ, cũng muốn nhà nước và quân đội làm như thế lắm chứ, nhưng ... chắc các bạn hiểu điề đó không thể và không bao giờ người ta làm. Hãy thương lẫn nhau thôi, ai biết được gì, ai giúp được gì thì hãy cố gắng mà giúp lẫn nhau thôi. Đừng nghĩ đến sự xa vời vô vọng ấy!. Chúc các bạn một năm mới khỏe, an khang và thành đạt!
- 4 - Viết bởi Hoàng T. K. Thông (11/01/2013 15:01:29)
- Cháu đồng ý với ý kiến của cô Hồng Lan, trợ thủ đắc lực của Người đưa đò. Chú Hoài Giang hãy gửi bài viết của mình về cho Thu Uyên! Khi cô ấy lên tiếng, đông đảo dư luận được biết và ủng hộ thì người ta sẽ không im lặng mãi được nữa! Thật là những phiền toái không đáng có, khiến thân nhân Liệt sĩ đã đau lại thêm đau! Khi đất nước cần, kêu gọi người dân ra đi với một bản lý lịch đầy đủ.Lửa khói tan rồi, chỉ một dòng ngắn ngủi lạnh lùng là xong cho một con người. Có dân tộc nào như dân tộc mình không?
- 5 - Viết bởi Nguyễn Thị Hồng Lan Đồng cảm(06/01/2013 17:01:38)
- Anh Hoài Giang kính mến! Đọc bào viết của Anh, tôi thực sự xúc động và rất đồng cảm với anh trong việc “quên lãng” này. Cách đây 3 năm sau khi tìm được mộ anh trai và em trai tôi, tôi đã là người thân của E24 và của trang “Người đưa đò”. Qua nguồn tư liệu của Anh Bình, của thầy Hồ, tôi đã viết hơn 3000 lá thư gửi các gia đình liệt sỹ để báo tin phần mộ liệt sỹ của gia đình họ đã được quy tập về trong nghĩa trang. Thất bất ngờ có ít nhất 350 gia đình/3000 lá thư lần đầu tiên biết tin về phần mộ liệt sỹ của gia đình họ. Hơn 3000 lá thư báo tin mộ liệt sỹ có đầy đủ mọi thông tin đã được quy tập tại các nghĩa trang. Biết bao gia đình đã thực sự xúc động và không thể tưởng tượng được rằng con em họ nằm trong nghĩa trang mà gia đình lại không biết. Anh hãy đọc “Họ không là những người lính”, “Biết hỏi ai bây giờ” trên trang E24. Anh Giang ạ, tôi cũng như Anh và nhiều cựu chiến binh E24 thật đau lòng trước nỗi đau của bao gia đình đang ngày đêm mong ngóng tin con mình. Còn có hàng ngàn liệt sỹ nằm trong các nghĩa trang, có tên, tuổi, địa chỉ đang ngày đêm chờ đợi người thân của họ. Tôi chẳng biết làm gì hơn khi ngày ngày cố gắng tiếp tục tra cứu, viết thư và gửi các gia đình liệt sỹ. May ra gửi 100 lá thư đi vẫn có ít nhất 10 gia đình lần đầu tiên được biết tin và đưa liệt sỹ về quê. Theo tôi Anh có thể gửi thư và bài viết của Anh về cho Thu Uyên xem thử. Chúc Anh mạnh khỏe và góp phần giúp các gia đình liệt sỹ sớm tìm được mộ người thân. Chào Anh