-
CHUYẾN ĐI NGHĨA TÌNH
(09/12/2012 07:12:45)
-
Tình đồng đội sao mà đẹp thế! Với tôi, chỉ là một người lính,
ở với Trung đoàn chưa đầy 2 năm, vậy mà, gặp nhau, ai cũng quý,
cũng thân. Tất cả như anh em một nhà lâu ngày gặp lại. - Hoàng Thái Tôn
Từ ngày liên lạc được với CCB E24 Anh hùng, tôi nhận được rất nhiều thông tin từ đồng đội cũ, trong đó có một số ở cùng Tiểu đội Cối 82- K5 thời kỳ 1972, 1973. Một số anh em đã đi từ Bắc vào Nha Trang để thăm tôi. Vì vậy, tôi cũng đã có ý định từ lâu, khi nào nghỉ hưu thì sẽ tranh thủ ra Bắc một chuyến để thăm và gặp lại đồng đội cũ sau 38 năm xa cách.
Tôi nhận quyết định nghỉ hưu từ ngày 01/11/2012, nhưng mãi tới ngày 15/11/2012, mới bàn giao xong. Thế là, tôi tranh thủ mua vé tàu đi Hà Nội vào ngày 17/11. Ra Hà Nội, người đón tôi đầu tiên ở ga Hàng Cỏ là Cấp. Tôi và Cấp cùng tuổi (Nhâm Thìn), Cấp đã nghỉ hưu từ tháng 8/2012. Khi vào chiến trường, tôi với Cấp cùng Tiểu đội Cối 82. Sau này, cuối năm 1973, Cấp được điều lên trinh sát Tiểu đoàn cho đến ngày hết chiến tranh. Nhà Cấp ở cách xa ga Hàng Cỏ (ở khu Cầu Giấy), nhưng biết tôi ra, Cấp đã ra ga đón rất sớm (vì sợ tôi phải chờ).
Đã lâu, tôi chưa có dịp ngồi xe Honda để ngắm Hà Nội. Ngồi trên xe, tôi thấy Hà Nội bây giờ đẹp lắm; người và xe cọ đi lại đông đúc. Tuy lớn tuổi, nhưng phải nói Cấp đi xe rất “siêu”. Phải mất hơn hai chục phút, tôi mới về đến nhà Cấp. Nhà cấp ở trên tầng 5, khu tập thể. Gặp nhau, chúng tôi rất mừng. Chúng tôi tâm sự chuyện gia đình và đồng đội, sắp xếp thời gian thực hiện chuyến hành trình cùng tôi thăm lại đồng đội cũ.
Sáng hôm sau, tôi và Cấp ra bến xe Mỹ Đình đi Sao Đỏ (Chí Linh, Hải Dương). Tại Thị trấn Sao Đỏ, anh Bùi Ngọc Là và Tuyết đón chúng tôi từ ngoài quán 559 và đưa chúng tôi về nhà anh Là. Anh Là, tôi và Cấp trước kia cùng Tiểu đội. Gặp nhau, chúng tôi mừng quá. Đâu có ai nghĩ rằng, sau chiến tranh, chúng tôi vẫn còn sống và gặp nhau ngày hôm nay. Trong bữa cơm thân mật đầu tiên, chúng tôi cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa, nhất là thời kỳ ác liệt năm 1972, 1973 ở Mỹ Tho, Gò Công. Anh Là còn nhắc lại, năm 1972, khi mới xuống Cai Lậy, trong một trận càn, hầm của tôi bị trúng pháo của địch, dù pháo địch vẫn đang bắn rít qua đầu, nhưng các anh đã lên khỏi hầm, nhanh chóng đào hầm kéo tôi lên, cứu sống tôi trong gang tấc (lúc ấy, đồng đội cùng hầm với tôi là Huy đã huy sinh).
Bữa cơm đầu tiên tại nhà anh Là (Cấp, Tuyết, tôi và vợ anh Là)
Bữa cơm chiều, anh Là đã thông báo với các anh CCB E24 đang ở Sao Đỏ cùng đến gặp mặt. Tình đồng đội sao mà đẹp thế! Với tôi, chỉ là một người lính, ở với Trung đoàn chưa đầy 2 năm, vậy mà, gặp nhau, ai cũng quý, cũng thân. Tất cả như anh em một nhà lâu ngày gặp lại.
Ngày hôm sau, Tuyết lấy xe đưa chúng tôi xuống Nam Sách, Hải Dương. Tại Nam Sách, chúng tôi đã được đồng đội cũ K5 (Loan, Nga, Châm, Diệp, Huân…) đón tiếp rất nhiệt tình. Với tôi, đồng đội ở Nam Sách vừa là đồng ngũ, vừa là đồng đội của K5- E24. Người đầu tiên tôi nghé thăm là Loan. Loan với tôi và Diệp, Huân, Hồng, Nga, Việt… trước kia cùng Trung đội trong thời kỳ huấn luyện tân binh. Khi nhập ngũ, tôi được đưa về huấn luyện chung ở Đại đội với anh em quê Nam Sách. Loan lúc ấy là đứa nhỏ tuổi nhất (16 tuổi). Tôi thường đùa với Loan: Mày trẻ quá, mặt còn búng ra sữa, sao lại đi bộ đội sớm quá. Loan nói rằng, thấy bộ đội về tuyển quân ở quê, em trốn thầy, u xin đi bộ đội. Mãi đến chiều tối, khi em đã lên Huyện thì thầy, u mới biết. Trong thời gian huấn luyện, tôi luôn coi Loan là “em trai” của mình. Sau 6 tháng huấn luyện, đơn vị đi B, trên đường hành quân vượt Trường Sơn để vào Nam chiến đấu, Loan bị sốt rét và ở lại Binh trạm. Sau này theo đoàn quân thu dung tiếp tục hành quân và bổ sung vào Trung đoàn 88 Quân khu 8. Trung đoàn này cùng sát cánh với Trung đoàn 24 trong những năm tháng ở chiến trường miền Trung Nam bộ. Do bị thương nhiều lần, đầu năm 1975, Loan được về an dưỡng tại Đoàn 640 Quân khu 8 và gặp tôi cùng thương binh an dưỡng tại đó.
Thấy tôi về thăm, Loan thông báo với tất cả đồng đội của tôi và mẹ để mẹ ra chơi. Mẹ của Loan tuy lớn tuổi (trên 80 tuổi), nhưng còn khỏe mạnh hồng hào. Trong bữa cơm trưa thân mật tại gia đình Loan, tất cả người thân của Loan và đồng đội cũ ở Nam Sách đều có mặt. Nhắc lại kỷ niệm cũ ở chiến trường, mọi người đều rơi nước mắt khi con gái Loan đọc lại những dòng lưu bút của Loan viết cho tôi khi chia tay tôi để tôi trở lại chiến trường đầu năm 1975 mà tôi còn lưu giữ được.
Chia tay Nam Sách, Hải Dương, chúng tôi lại hành trình lên Lục Ngạn (Bắc Giang) để thăm gia đình Đệ. Đệ cùng Tiểu đội Cối 82 với chúng tôi. Do Đệ lùn lên thường được Tiểu đội phân công mang xoong và gánh đạn. Mãi sau này mới được mang đế cối. Đệ bị thương trong trận đánh vào chợ Tam Bình (Cai Lậy) năm 1974. Nhà Đệ ở gần sông Lục Ngạn. Đón chúng tôi ngoài vợ chồng Đệ ra còn có Phượng. Phượng cùng Tiểu đội Cối 82 với chúng tôi. Nhà Phượng ở tận Sơn Động, Bắc Giang, cách nhà Đệ gần 50 km. Biết tôi ra, Phượng đã đi xe xuống từ sáng sớm để đón chúng tôi. Gặp nhau, chúng tôi ôm nhau mãi, ngỡ là trong mơ. Dù còn nghèo, nhưng vợ, chồng Đệ đã đón tiếp chùng tôi rất nhiệt tình.
Bữa cơm thân mật tại nhà Đệ (Đệ, Phượng và đồng đội E24 tại Lục Ngạn)
Sau bữa cơm trưa thân mật, chúng tôi lại tiếp tục lên Sơn Động, Bắc Giang để thăm gia đình Phượng. Nhà Phượng ở xã thuộc miền núi. Từ quốc lộ, về nhà Phượng phải trên 10 km. Sau chẵng xe buýt dài, chúng tôi được các con trai của Phượng đón và chở bằng Honda về nhà. Phượng chẳng già bao nhiêu so với tuổi. Ngày ở đơn vị, Phượng là người ít nói, nhưng rất cẩn thận. Xuống chiến trường đồng bằng, Phượng là người đưa ra sáng kiến gánh đạn cối thay cho đeo xung quanh người khi hành quân. Mỗi người có thể gánh từ 6 đến 8 quả đạn cối 82.
Dù rất vội và thời gian ít, nhưng gia đình Phượng vẫn mời chúng tôi uống rượu và ăn bánh giầy. Bánh giầy là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt (nhất là đối với dân tộc thiểu số ở phía Bắc) nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu với cha ông và đất trời xứ sở. Thật cảm động, khi biết chúng tôi lên, gia đình Phượng đã nấu xôi để giã bánh giầy, mời khách. Sau bữa cơm, chúng tôi còn được gia đình Phương gói bánh giầy mang theo làm quà.
Bánh giầy do các con nhà anh Phượng giã vội, mời chúng tôi
Chia tay gia đình anh Phượng ở Sơn Động, Bắc Giang, chúng tôi tranh thủ về Thị trấn Lục Ngạn ngủ để sáng mai kịp đi xe về Hải Phòng. Vì từ Lục Ngạn đi Hải Phòng chỉ có 1 chuyến xe duy nhất vào 6 giờ sáng mỗi ngày.
Sáng ngày hôm sau, chúng tôi đi về Hải Phòng thăm gia đình anh Han (ở Tiểu đội Đại liên, cùng Trung đội với chúng tôi). Nhà anh Han ở phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng. Hơn 9 giờ sáng, xe đã đến Hải Phòng. Han ra bến xe đón chúng tôi. Nhà Han ở trong hẻm nhưng khá khang trang. Các con anh đã lớn, lấy vợ, lấy chồng và đã ra ở riêng, nhà chỉ còn hai vợ chồng. Hải Phòng bây giờ đẹp lắm. Sau ngày giải phóng, tôi trở về trường cũ ở Hải Phòng tiếp tục học tập. Sau đó vào Nha Trang công tác cho đến nay chưa có dịp về lại Hải Phòng.
Ăn cơm trưa xong, chúng tôi liên hệ với Tách ở Đồ Sơn để xuống thăm. Tách cùng Tiểu đội Cối 82 với chúng tôi. Nhưng vợ Tách nói là anh đã đi Thái Bình (về quê vợ) chưa ra. Thế là kế hoạch đến thăm tất cả đồng đội cũ của Tiểu đội Cối 82 còn sống của chúng tôi không được trọn vẹn.
Bữa cơm thân mật tại nhà Phượng (Phượng, tôi, Đệ và anh Là)
Chia tay Hải Phòng, chúng tôi trở về Hà Nội. Nghe tôi về Hà Nội, anh Thẩm Hoa Nam (trinh sát K5) từ Quảng Ninh (đang về quê thăm mẹ ốm) cũng về Hà Nội để kịp gặp tôi. Tôi biết anh Nam trong một chuyến vào thành phố Hồ Chí Minh. Chuyến đi đó, tôi chỉ ghé nhà Bắc, nhà anh Nam và thăm Đại tá Nguyễn Công Đào lần cuối.
Ở Hà Nội, tôi gặp vợ chồng anh Khải ở Gò Công ra chịu tang mẹ tại nhà anh Phái (400 Đội Cấn), được anh Đức mời cơm tại phố Ngọc Khánh. Trong bữa cơm đó có cả vợ chồng anh Khải, Cấp, anh Trúc (trinh sát Trung đoàn), anh Trần Bảo. Và tôi ở Hà nội thêm 1 ngày nữa trước khi về thăm quê (Quỳnh Lưu, Nghệ An), kết thúc chuyến thăm đồng đội mà tôi mong muốn bấy lâu nay.
Do thời gian có hạn, lại phải “hành quân” nhiều nơi nên đồng đội vẫn còn trách “Nghỉ hưu rồi mà sao vội thế? Không ở thêm ít ngày nữa à!”. Đấy là những lời trách đầy yêu thương của tình đồng đội. Điều đọng lại của chuyến đi này là: TÌNH ĐỒNG ĐỘI SAO MÀ QUÝ THẾ, TRÂN TRỌNG THẾ. ĐÓ LÀ MỘT TÌNH CẢM KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC QUYÊN TRONG ĐỜI. Do điều kiện và thời gian, nên tôi không có dịp thăm hết tất cả đồng đội E24 ở phía Bắc trong chuyến đi này. Mong đồng đội thông cảm. Xin cảm ơn những tình cảm tốt đẹp của đồng đội dành cho tôi trong chuyến đi này./.
Hoàng Thái Tôn
CCB E24 tại Nha Trang
- 1 - Viết bởi cháu gái TG gửi cậu Tôn(20/12/2012 01:12:08)
- cậu vào trang web Sở Giáo dục - Đảo tạo tỉnh Tiển Giang để xem bài viết về cậu 2 Nghĩa nha!
- 2 - Viết bởi CON MỘT LIỆT SĨ CỦA TRUNG ĐOÀN 24 ANH HÙNG (12/12/2012 10:12:33)
- Cháu thường vào webste E24.com.vn thấy các Bác cựu chiến binh E24, những người bạn cùng chiến đấu với bố cháu, nhưng may mắn sống đến ngày hôm nay thật hạnh phúc! Thấy các bác mạnh khỏe, yêu đời và luôn dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp trân quí như ruột thịt, cháu lại nghĩ đến Bố chau đã không có được sự may mắn này! Nhưng cháu luôn cảm thấy vui và như được an ủi mỗi khi nhìn thấy các bác trên webste. Cháu mong các Bác mạnh khỏe, hạnh phúc!
- 3 - Viết bởi Bùi Ngọc Là (10/12/2012 20:12:16)
- Đoc bài viết của Hoàng Thái Tôn tôi thấy thật vui. Từ Nha Trang Tôn ra Bắc thăm đồng đội, những người cùng nhập ngũ và những người cùng Trung đoàn 24.Tôi có vinh dự được tháp tùng Tôn đi Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, ở đâu Tôn cũng được đón tiếp chân tình như người thân trong gia đình và ai cũng muốn Tôn ở lại để hàn huyên sau bao năm chưa gặp mặt. Chuyến đi của Tôn đã để lại tình cảm thật sâu đậm trong chúng tôi, những người đồng đội của anh. Xin chúc Hoàng Thái Tôn và gia đình luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc. Hãy luôn nhớ về tình cảm của chúng tôi dành cho anh.
- 4 - Viết bởi BÙI XUÂN BÍNH - CCB D269-QK8 TÌNH ĐỒNG ĐỘI(10/12/2012 15:12:18)
- Kính gửi anh Hoàng Thái Tôn! Xin chia vui cùng anh trong chuyến hành quân gặp lại đồng đội. Tôi cũng đã trải nghiệm tình cảm như anh sau khi gặp lại đồng đội.Thật tuyệt vời!
- 5 - Viết bởi Hoàng Văn Bắc (10/12/2012 09:12:35)
- Anh Hoàng Thái Tôn sướng thật! Nghỉ ngơi, có nhiều thời gian thăm bạn bè đồng đội! Tình cảm của anh em trung đoàn 24 lúc nào và ở đâu cũng thật chân thành! Chúc Anh luôn mạnh khỏe và có nhiều chuyến đi hơn nữa.