-
Chuyện tình Sao Pan
(05/09/2012 17:09:57)
-
Rừng Sao Pan hôm nay không có gió. Ngọn đèn tự tắt dành đêm cho những ngôi sao nhấp nháy. Đêm không phải khép lại mà mở rộng ra những miền quê với bao cuộc đời và số phận… (Nguyễn Trọng Hùng)
1.
Đêm vội vã về với Sao Pan bao nhiêu thì ngọn đèn dầu uể oải bấy nhiêu trong ngôi nhà nhỏ thiếu dầu, lẻ loi tận chân núi.
Sao Pan có nhiều huyền thoại, những huyền thoại cứ bập bùng với người làng Tày, làng Nùng và cả làng Vân.
Ngọn lửa dưới chân núi Sao Pan vẫn sáng. Nhưng cái bếp lửa to là thế mà toả sáng không lung linh, kì diệu như chấm hạt đỗ trên ngọn bấc…
Chỉ có hai người, anh chồng tên là Ngán và cô vợ tên là Cậy. Nhà còn thêm con chó bông trắng và con khỉ lông vàng. Con chó, dường như đã no, nằm khoanh ở góc cột đầu nhà, mõm đặt bẹp xuống hè đất, mắt lim dim trong tư thế có vẻ vẫn sẵn sàng. Khác với con chó, con khỉ bị cột bằng sợi dây ni-lon mềm cứ nhoắng lên lại nhoắng xuống ra điều sốt ruột về sự trễ nải của con chó. Con khỉ bị buộc vào cành cây ba chạc ngay ở cái cột có con chó nằm dưới.
Trong bếp, ngọn lửa vẫn cháy to cùng với tiếng lục bục sôi của nồi cám lợn.
Cửa đã khép, then đã gài ở trên nhà.
- Tắt đèn nhé! – Ngán hỏi vợ.
Cậy từ trong cái màn đã xỉn màu mệt mỏi nói ra:
- Đừng!
- Chưa ngủ à?
- Ngủ chứ, nhưng để đèn nghe chuyện rừng cho đỡ sợ.
Ngán cười hiền lành:
- Hôm nay đến lượt em kể cơ mà.
- Em đang mệt chết đi đây này. Với lại cứ chuyện bắt cua, mò ốc kể mãi, chẳng thấy bà Tiên, cô Tấm đâu cả, chán lắm rồi.
- Anh thích – Ngán nói – Anh chưa thấy đồng bằng bao giờ.
- Anh có đọc được ý nghĩ của em không? - Cậy hỏi.
Ngán chưa hiểu ý Cậy:
- Đọc thế nào?
- Nếu đọc được, em bảo nhé, anh vặn to đèn lên rồi vào đây. Anh cứ nhìn vào mắt em sẽ thấy đồng bằng, nghe vào tim em sẽ thấy tình yêu, sờ vào đôi lòng tay em, anh sẽ biết thế nào là cuộc đời bắt cua, mò ốc…
Rừng Sao Pan hôm nay không có gió. Ngọn đèn tự tắt dành đêm cho những ngôi sao nhấp nháy. Đêm không phải khép lại mà mở rộng ra những miền quê với bao cuộc đời và số phận…
2.
Chuyện rằng…
Ở giữa vùng đồng bằng sông Hồng, có một làng gọi là Hữu Thượng. Bọn trẻ con vừa đánh đáo, đánh bi vừa nghêu ngao hát:
“Hai ông bà ông Ngự Đẻ ra cái Cậy, cái Hồng, cái Cốm, cái Đào Bốn đứa cùng là con gái Bạc nhất thế giới ông ơi Hai ông bà mếu thầm…”
Quả làng có vợ chồng ông Ngự và bốn đứa con gái tên như thế thật. Ông Ngự dạo còn trẻ bị bắt lính ít ngày. Sau ông trốn được rồi theo dân công tải gạo lên hoả tuyến đánh Tây. Vài tháng sau hoà bình lập lại, ông về nhà. Cải cách ruộng đất, gia đình vợ bị qui thành phần địa chủ. Còn ông, gia sản ngoài căn nhà ọp ẹp chỉ còn cái bụng vợ càng ngày càng to. Dạo ấy, ông lo sợ và thù ghét cái đứa nào đang lớn lên trong bụng vợ ông. Nghe đâu, mà nghe không phải chỉ có một tai, cả làng Hữu Thượng nói rằng, một thằng Tây đen đã hãm hiếp vợ ông. Hôm vợ đẻ, ông Ngự rình ở ngoài, nếu thấy cái hài nhi đen thì ông quyết giết cả hai. Nhưng điều đó không xảy ra. Vợ ông đẻ ra cái Cậy.
Lúc mang thai, bà Ngự lần hồi kiếm sống bằng nghề bắt cua, mò ốc. Người ta đã trông thấy bà ít nhất một lần moi từ trong mà cua bên cồn ra khúc xương người ở cái mả vô thừa nhận. Bà hãi quá, quẳng đi để bây giờ sinh ra cái Cậy còi cọc.
Còn cái Cậy, ai mà chẳng biết, mười ba, mười bốn tuổi, ba đứa em, gia đình như thế làm sao nó tránh khỏi thân cục đất thui thủi giữa đồng. Con bé bạo dạn và sát cá. Nhiều khi nó bắt được cả thúng, cả thùng cá trê béo vàng như mỡ gà. Người ta rùng mình nói với nhau: “Con bé táo tợn lắm, dám chui vào hầm mộ bắt ổ cá trê đấy!”…
Chắc vì thế nó quắt queo, đen đúa. Trẻ cùng thời gọi nó là “Cậy cóc”. Nó học được gần hết lớp bảy, mà thế cũng là khá lắm rồi, mấy ai ở Hữu Thượng được học tới lớp bảy, nhất là bọn con gái. Vả lại, phải có ăn mới đi học được chứ! Cái thời người ta ào ạt đi chiến trường đánh Mỹ, Cậy cóc không đủ tuổi để vào Trường Sơn làm thanh niên xung phong. Lúc đủ tuổi thì thấp bé nhẹ cân, không đi được. Giải phóng miền Nam, nhà nó trơ khấc ra chưa có ai đóng góp gì cho sự nghiệp lớn. Thế là ông bà ông Ngự cùng bốn đứa con gái nhông nhổng lên xây dựng vùng kinh tế mới ở đây.
Sao Pan có ba xóm: Tày, Nùng và Vân. Trước kia, xóm nào là của người nấy. Vân là xóm của người Kinh khai hoang. Bây giờ thì lẫn lộn hết cả, đến mấy đứa nhà ông bà Ngự cũng được giải ra, chẳng phải chia đều mà do cái số mệnh nó phải như thế. Cái Hồng làm dâu người xóm Tày, cái Cốm dâu xóm Nùng, cái Đào lấy thằng con ông Thông cùng xóm, nay làm công nhân dưới Tuyên.
Nhà ông Ngự chỉ còn Cậy cóc. Cậy cứ lọt lại sau các cuộc đính hôn, hỏi cưới linh đình. Các em Cậy như Vân như Kiều bao nhiêu, Cậy càng là Cậy cóc bấy nhiêu. Bụng Cậy mách với dạ Cậy rằng, không thèm lấy chồng mà ở vậy nuôi bố mẹ. Nhưng Cậy vẫn xốn xang khi có người làng Nùng hỏi. Chỉ xốn xang thôi chứ Cậy không đồng ý lấy người đã từng ruồng bỏ vợ, dù chỉ một lần. Cái nét buồn thăm thẳm ở gương mặt Cậy đọng lại ở nước da đen và những mụn trứng cá làm đôi mắt to, đôi khi ngơ ngác trào nước mắt…
3.
Chuyện rằng…
Ngán người dân tộc Giáy, quê ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Bản của Ngán giáp biên giới Việt – Trung. Đất ấy, dân nghèo xơ xác. Nhà ở phải trình tường mới qua được mùa đông giá lạnh, nhưng nhà Ngán vẫn tạm bợ, vách thưng bằng thân cây ngô. Đất hiếm hơn đá. Dường như, đất đá phải tranh giành nhau từng tí chỗ đứng chân. Ngán mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bởi người cao, da trắng nên Ngán được anh em trong đơn vị gọi bằng cái tên “Ngán kều”.
Ngán bắn giỏi, súng nào cũng bắn được. Cả cái nỏ ở nhà mang theo vào bộ đội, Ngán bắn cũng không phát nào trượt. Con sóc nhảy nhót trên cành, con hoẵng chạy băng băng trong rừng già Bát Đại Sơn, Ngán bắn vẫn trúng.
Cậy quen Ngán, yêu Ngán trên công trường làm đường hoả tuyến. Anh bộ đội với cô dân công thề thốt những gì không ai biết, chỉ biết, giữ lời hẹn hò, ra quân, Ngán về ngay làng Vân cùng cái ba-lô lép kẹp, ít giấy tờ tuỳ thân và cái nỏ.
Ngán thưa với ông bà Ngự:
- Dân vùng cao con nghèo. Nhà con còn nghèo hơn dân vùng cao. Cỏ không mọc được ở trên đá. Đi bộ đội, con chỉ biết bắn, biết canh chừng kẻ xấu không cho chúng xâm lấn đất ta. Ra quân, con chỉ có thế này – Ngán chỉ cái ba-lô và cái nỏ - Chữ con biết ít, không đủ để con viết thư cho em Cậy, cho bố mẹ. Bộ đội cho con nhiều chữ nhưng nhận vào khó hơn ăn hạt bắp, khó hơn xẻ gỗ làm nhà. Cậy thương con, Cậy nói không cần tiền, chỉ cần con thương Cậy. Con cũng chỉ cần Cậy thương con. Bố mẹ thương chúng con, cho chúng con về ở cùng nhau, làm cùng nhau.
Ông Ngự một tay cầm se điếu, một tay cầm cái đóm có lửa đang cháy, lắng nghe. Ông gạt tàn đóm liên tục vào bát điếu tới khi Ngán nói xong, ông vẫn ngẩn ra chưa hút thuốc.
- Ông nói gì đi! – Bà Ngự giục.
- Con tôi – ông Ngự nói – không phải cái ruộng hợp tác chia cho ai cũng được. Nó cũng như anh, giàu có số, nghèo có số, tránh đi đâu được. Nhưng không phải đất nào cũng thành ruộng, ruộng nào cũng cấy được lúa, trồng được khoai. Vẫn biết, đất nào cũng muốn có lúa ngô, khoai sắn mọc cho nên mùa nên vụ. Chúng tôi là người nửa cổ nửa kim, nói lung bung, lẩm cẩm lắm! Thôi, thế này, anh nghe được thì để trong bụng, không nghe được thì để ngoài tai. – Ông Ngự lại gí đầu đóm vào ngọn lửa xanh lét trong cái đèn Hoa Kỳ bóng đen muội dầu. Ông nhẩn nha rít một hơi thuốc lào rồi ngửa cổ phả khói lên mái nhà. Hình như thuốc lạng Vĩnh Bảo dạo này nặng hơn trước làm ông ngất ngư – Cái cây con nào cũng muốn thành cây lớn. Muốn thành đại thụ, không được sống dưới tán đại thụ. Anh chị vào sát núi mà ở.
Ngán kều Cậy cóc lấy nhau, ở chung với ông bà Ngự vừa đúng ba tháng thì dựng xong nhà ở sát chân núi Sao Pan. Nhà Ngán cách nhà ông Ngự một tràn ruộng thụt, một cái gò. Hai vợ chồng Ngán lên rừng chặt cây lấy lá. Con khỉ vàng bắt được trong thời gian đó và bây giờ nó thay của hồi môn về ở cùng Cậy. Riêng con chó bông là của ông Ngự. Ông Ngự không cho nhưng con chó cứ theo sang ở lì bên nhà Cậy. Chắc nó thương đôi vợ chồng trẻ hơn…
4.
Vãn việc đồng áng, nương rẫy, Ngán cùng mấy anh em cọc chèo đi làm thợ mộc. Cậy quanh quẩn ở nhà với vườn tược, có con chó, con khỉ cũng đỡ hưu quạnh.
Cậy chăm sóc con khỉ con như chăm một đứa trẻ. Con khỉ được mặc váy đỏ, áo xanh. Váy áo cũng được thêu ren tử tế. Đôi khi nghịch ngợm, Cậy buộc hai tay khỉ ra sau, bắt nó phải đi bằng đôi chân, trông cũn cỡn, cứng queo như con rối, tức cười đến chảy nước mắt. Có bữa tuột dây, bị con chó đùa ác, con khỉ dỗi trèo lên ngọn cây, ngồi lì trên đó cả ngày không chịu xuống.
Đêm đêm nhớ chồng, Cậy thức với những câu chuyện anh kể, chuyện về cây, về đất đá, về các loài động vật hoang dã. Một lần Ngán đi săn về qua khu rừng già, anh thấy có mùi thối. Ngày sau qua càng thối tợn. Không chịu được, anh đi kiếm. Quả nhiên, anh thấy một con trăn to, to lắm. Cột nhà nào không biết, chứ cột nhà anh không thể to bằng. Con trăn nằm thẳng đuột, dài hơn cả ngôi nhà của anh. Con trăn chết rồi, chết vì nuốt cả con hoẵng. Sừng con hoẵng chọc ra hai bên sườn con trăn. Cả một khoảng rừng rộng cây cỏ đổ rạp. Chỉ cái cây mấy người ôm không xuể là vẫn sừng sững. Anh lấy dao mổ bụng trăn. Bao nhiêu lông nhím xếp hàng trong bụng nhím. Ngán lấy mỡ trăn về làm thuốc chữa bỏng cho dân bản…
Nhưng đấy là chuyện kì thú xa xôi, sao ở Sao Pan này Ngán chưa cầm lại khẩu súng, chưa đụng vào chiếc nỏ? Người ta bảo vùng rừng này còn nhiều thú quí hiếm, không chỉ lợn lòi mà cả gấu, cả hổ…
Có lần Cậy hỏi Ngán:
- Sao anh không đi săn? Anh nói anh bắn giỏi lắm cơ mà.
- Anh sợ em buồn vì em sắp làm mẹ mà.
- Không, đừng sợ. Có chuyện đau lòng mình vẫn phải nghe, vẫn phải chấp nhận để mai dạy cho con nó nhớ lấy mà nên người. Nào kể đi… Ngày xửa ngày xưa… - Cậy choàng tay ghì chặt đầu Ngán vào ngực mình.
Ngán dụi trán vào bộ ngực căng của Cậy, thủ thỉ:
- Ừ, ngày xửa ngày xưa, ngày anh còn là bộ đội. Anh là công vụ cho thủ trưởng. Lên biên giới thì anh phiên dịch tiếng Mông và các tiếng dân tộc thiểu số khác. Về hậu cứ thì anh đi săn. Vùng ấy có nhiều khỉ, hươu, nai, cầy cáo... Đơn vị giao ba viên đạn cho một con thú. Anh chỉ cần một viên. Thủ trưởng anh đã tìm được cách chế biến thịt khỉ. Thịt khỉ luộc lên, thái ra như thái thịt bò rồi sào với tỏi, gừng. Còn xương khỉ, thủ trưởng bảo anh cạo sạch cân, tuỷ, phơi khô để dành nấu cao…
Ngán không dám kể chuyện ngày còn nhỏ, anh đã thấy người Hoa bên kia biên giới giữa chợ gặm đầu, gặm bàn tay, bàn chân khỉ kêu “Hảo hảo”. Anh đặt tay lên bụng vợ, thổn thức kể tiếp:
- Anh không bao giờ đi săn nữa vì... Lần ấy, anh vừa bắn được một con khỉ thì cả đàn chạy hết. Chúng rào rào tụt xuống đất, trốn biệt đi đâu không biết. Anh đặt con khỉ ở gốc cây rồi lững thững đi về phía bờ suối. Suối không rộng lắm nhưng sâu, nước trong và chảy khá mạnh. Nhiều tảng đá nằm chềnh ềnh giữa suối làm nước chảy cồn lên réo ầm ào, tung bọt trắng xoá. Bất giác, anh nhìn lên cành cây bên kia bờ suối. Một con khỉ đang loay hoay ở cành la ra suối. Hình như nó muốn qua bên này? Không phải. Bên này, trên cành cây đối diện, hai mẹ con con khỉ đang cuống cuồng chạy trốn. Khoảng cách giữa hai cây qua suối khá lớn nên khỉ mẹ không bế con nhảy qua được. Khỉ mẹ nhún nhún rồi bất ngờ tung khỉ con sang phía bên kia. Con khỉ bên kia hai chân bấu chặt cành cây, hai tay với hết cỡ về phía khỉ con nhưng vẫn không tới. Khỉ con thảng thốt kêu “chít chít” yếu ớt rồi rơi tõm xuống suối. Cả hai con khỉ to hét lên rồi cùng lao xuống suối. Nước chảy mạnh cuốn khỉ con đi mất tăm. Hai khỉ to lên bờ bên kia, ôm nhau trên tảng đá. Bất ngờ, khỉ mẹ cuống quýt dùng cả hai tay vả vào đầu, vào mặt con khỉ kia. Lúc sau, chúng dìu nhau theo bờ suối đi mất hút. Anh lấy đá đắp thành mộ cho con khỉ ở gốc cây… Bữa đấy anh về đơn vị nói dối là không săn được gì. Rồi anh xin chuyển ra làm đường. Rồi gặp em.
- Anh làm thế là đúng mà! - Cậy nói.
Hình như nước mắt Cậy vương vào má Ngán.
Đêm đã khua, hai người quấn lấy nhau. Ngọn đèn dầu không ngủ được bập bùng theo nhịp thở đêm Sao Pan…
5.
Đêm về với Sao Pan vẫn vội vã. Ngọn đèn được thắp lên sớm hơn mọi khi. Trong nhà Ngán rộn rã tiếng cười, tiếng khóc của cu Lục Tần Hính. Ngọn đèn không chỉ có biết nghe, mà giờ còn biết nháy mắt nói chuyện với Hính.
Ngán kều vẫn trắng, nụ cười vẫn e lệ như con gái. Cậy cũng trắng hơn và cứng rắn hơn. Sau mấy tháng giữ gìn, giờ cô mới được cào, được gãi một trận thoải mái vào cái đầu có mái tóc dài trong chậu nước lá. Hương sả còn ấm áp phả vào tâm hồn Ngán. Tự nhiên Ngán cất tiếng khàn khàn hát nựng con:
“Ve vẻ vè ve Đặt vè lá lốt Anh Ngán cũng tốt Cô Cậy cũng xinh Hai bên đồng tình Đưa ra đoàn thể”…
- Ai dạy anh mà anh biết câu vè ấy? Mấy tay thợ mộc, phải không?
Ngán chỉ cười.
- Kìa, con nó sắp tè rồi đấy. Lúc nào nó vặn mình, đỏ mặt, miệng “è è” là sắp đấy. Không tè thì ị.
Ngán đón con bằng đôi tay cứng đơ, mấy ngón tay như thừa lóng ngóng, miệng kêu “ừa ừa”.
- Ghét ghê, không biết con chó bông của cu Hính đi đâu không thấy về. Nó là bạn của Hính đấy. – Ngán nói – Tè nhé! Si si…i…
Ai vào thăm nhà Ngán, nếu để ý, vẫn thấy cái cành cây ba chạc buộc ở cây cột đầu nhà; cái ổ đất của con chó lông xù còn hõm xuống như cái rế chôn xuống đất.
Chuyện kể rằng, con chó vắng bạn khỉ lông vàng thì nhoắng lên đi tìm. Nó đi tút hút vào rừng sâu. Đi mãi, đi mãi tới tối cũng chẳng thấy bạn váy đỏ áo xanh của nó. Đàn khỉ ở đâu, có đón được khỉ con không? Con chó thương bạn cứ quẩn quanh bên gốc cây giữa rừng. Đêm ấy mưa to gió lớn, lốc xoáy cuốn đổ cả cây, lở cả đất đá. Con khỉ lông vàng được thả vào rừng nhiều lần, không tìm thấy đàn là nó lại về. Có lần, chó lông xù đưa nó về, còn nó vẫn sợ sệt kêu “chít chít” ở bìa rừng.
Ngán thương cả con khỉ lẫn con chó. Có thể nó đã chết vì mưa gió, đó là sự trừng phạt đối với anh. Nhưng dù sao, anh cũng đã trả chúng về rừng. Còn một việc nữa, việc hệ trọng hơn nhiều, chuyện quê cha của Hính. Vợ chồng anh đã bàn, khi con biết học chữ, sẽ đưa con về thăm quê cha, nơi bản nhỏ lô xô đá sát biên giới, về Hữu Thượng bát ngát đồng xanh bên sông Hồng quê mẹ.
Đêm ấy, khi Hính đã ngon giấc, Ngán lại vặn to ngọn đèn, lại thủ thỉ kể. Chuyện rằng, xóm người Giáy hơn chục hộ trong đó có nhà Ngán, bao nhiêu năm nay luôn đứng trước mưu đồ xâm canh, xâm cư của những người bên kia biên giới. Bọn trẻ bên kia thừa biết, xóm người Giáy Việt Nam có một chàng thanh niên cao, trắng, bắn nỏ giỏi như thần. Chàng thanh niên ấy đã từng cảnh cáo chúng: Chỉ cần nửa bàn chân xâm lấn sang đất Đồng Văn, cao nguyên thân yêu của ta, mũi tên này sẽ găm đúng bàn chân bay. Và anh bắn, mũi tên cắm phập giữa lằn ranh biên giới, nơi bên này, mộ của bố mẹ anh có hàng rào đá vây quanh.
- Thật không? - Cậy hỏi.
- Thật!
- Vậy con lớn, nó sẽ được dạy bắn nỏ chứ?
- Ừ! Nó cũng sẽ đi bộ đội, sẽ bắn giỏi như bố nó. Vào bộ đội, nó không chỉ học đánh giặc giữ nước, mà quan trọng là được học làm người, biết yêu thương nhau, biết yêu thương tổ quốc mình.
Ngọn đèn Sao Pan vẫn nhấp nháy, nhấp nháy thắp sáng lời nguyền của Ngán kều, Cậy cóc… ./.
Thành Tuyên, 1991-2012 NTH