-
GIÓ NÚI LAO XAO CHUYỆN MỘT THỜI - Truyện ngắn của NGUYỄN TRỌNG HÙNG
(07/03/2012 12:03:54)
-
Tôi viết truyện ngắn này từ lời của nhà văn Nga M.Gorky: "Đời thiếu mẹ
hiền, không phụ nữ/ Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu" và thì thào như gió
vẫn thổi chuyện của mình, của đồng đội mình, đặc biệt là của Hoàng
Thái Tôn. Đương nhiên, mẹ là trời là đất, nhưng nhiều khi, mẹ thì xa
mà những người xa lạ lại trở nên gần gũi, thân thương. Chẳng biết
truyện ngắn này hay dở thế nào, nhưng tôi vẫn muốn được dành tặng cho
tấm lòng anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của phụ nữ ta xưa
cũng như nay. (NGUYỄN TRỌNG HÙNG)
Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ
Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu
M. Gorky
Ngay sau giải phóng miền Nam không lâu, tôi may mắn được chuyển ngành về cơ quan báo tỉnh. Thật sự, tôi sẽ chẳng là tôi hôm nay, nếu không có thư kí toà soạn. Sau chuyến đi biên giới về, tôi viết bài "Đâu chỉ là chuyện tình nơi biên giới". Hôm sau anh gọi tôi lên:
- Báo mình bé, lại thưa kì. Bài cậu viết được, có vấn đề và nhiều xúc cảm. Mình đã biên tập và cho đánh máy, cậu mang bản thảo này gửi cho báo trung ương. Làm báo là phải chiềng cái mặt mình ra với thiên hạ. Được lời khen đã quí, nhưng có tiếng chê nhiều khi lại quí hơn. Cậu đã có gần chục năm chiến trường, đó là vốn sống không phải anh nhà báo, nhà văn nào cũng có được. Với giọng điệu này, hi vọng cậu sẽ tiến xa hơn.
Tôi nuốt lấy từng lời của anh.
Cầm lại bản thảo, tôi chào anh rồi xuống phòng văn thư, xin phong bì, bỏ bài báo vào và gửi thẳng về Hà Nội.
Chẳng ngờ, bốn hôm sau, bài báo chễm chệ trên đầu trang 3 tờ báo mà bất cứ phóng viên nào ở địa phương cũng mơ ước. Ngay lập tức, tôi bị tổng biên tập gọi lên.
- Bài này có phải của cậu không? - Tổng biên tập hỏi.
- Dạ, của cháu ạ! – Tôi xác nhận.
- Cậu có biết quy định của cơ quan không? – Không đợi tôi trả lời, ông tiếp – Phóng viên không được phép gửi bài cho báo khác, khi báo mình chưa đăng.
- Cháu…
- Không được phép! Về làm kiểm điểm, mai gửi tôi…
Tôi đang rất buồn thì trưởng ban tuyên giáo tỉnh uỷ điện thoại xuống cho tổng biên tập. Điện thoại ở phòng văn thư nên nội dung câu chuyện lan nhanh ra toà soạn. Trưởng ban tuyên giáo biểu dương báo có phóng viên đăng bài kịp thời lên báo trung ương. Bài báo được đọc lại trên đài làm nức lòng nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là quân và dân các huyện vùng cao biên giới. Ông tổng biên tập giận tôi nhưng cũng phải nhắc thư kí toà soạn đăng lại bài của tôi.
Gặp tôi, thư kí toà soạn nói:
- Thôi thế là mừng rồi. Nhưng cậu nên nhớ, vượt lên được chính mình mới là điều khó khăn nhất. Hãy sống thật với chính mình rồi cậu sẽ thành công.
***
Thị xã vốn trầm mặc, lặng lẽ bên dòng sông xanh mơ màng soi bóng núi chất ngất, nay rộn rã sắc áo lính. Chỉ mới rời quân ngũ dăm ba năm, tôi thích hoà mình vào mỗi buổi chiều như thế.
Chợt thấy một người quá giống Ngọc, tôi gọi:
- Ngọc ơi!
Người đó quay lại. Tôi đứng lẫn trong đám khách hàng trước “Quầy hàng vì biên giới thân yêu” bí mật quan sát anh. Không biết ai gọi, Ngọc lại cầm tay người bạn lính, đi tiếp.
- Ngọc! Ngọc “đen” ơi! – Tôi gọi to và rõ hơn.
Ngọc lại quay lại. Nhận ra tôi đang phơi mặt ngay sau lưng, Ngọc hét lên:
- Ơ, mày... Hưng “khểnh” phải không?... Đúng mẹ nó rồi!
Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, lắc lư, lắc lư sung sướng lắm.
Ngọc là trợ lí quân giới trung đoàn. Hai thằng đã từng chung hầm bên suối Ya Nhin. Có bữa, dân công, du kích tải gạo, tải đạn ra mặt trận, đợi nhận thương binh nên phải nghỉ lại trạm tiền duyên do Ngọc làm trạm trưởng, tôi làm trạm phó. Từ hậu cứ ra, trạm bọn tôi chốt cuối cùng. Từ đây, bộ đội vận tải của trung đoàn sẽ đảm nhận việc vận chuyển gạo, đạn ra phía trước, chuyển giao thương binh cho dân công đưa về phía sau. Tôi đang tổ chức việc cất giấu bảo vệ hàng hoá thì Ngọc kéo tôi ra:
- Việc đã búi lên sùi sùi lại còn...
- Gì vậy? - Tôi hỏi.
- Trung đoàn lệnh phải bảo đảm an toàn cho dân công. Mấy anh du kích thì chẳng sợ, nhưng mấy “bà” dân công mình trần này thì biết nhét vào đâu. Mấy cái "hàm ếch" bé tẹo đều có người đợi ra phía trước nằm rồi.
- Cho hết xuống suối cạn.
Đoạn suối cạn đã được sửa thành hầm lộ thiên có thể dùng làm phòng mổ được. Hai bên thành hầm có gác cây, cắm cọc buộc tăng võng. Thỉnh thoảng, tôi và Hoa vẫn ra đấy nằm tán gẫu cho thoáng. Chỉ hai người thôi, không được quá vì sợ pháo trúng sẽ hi sinh nhiều người.
- Biết rồi, nhưng…
- Sao?
- Các “bà” ấy sợ không dám nằm một mình, cũng chẳng chịu nằm cùng nhau.
- Thế nằm với ai, mấy ông du kích không được à?
- Mấy ông đóng khố ấy bảo, các “bà” ấy không cho nằm cùng. Các bà ấy sợ các ông ấy “đổ nước”.
- Đổ... Thế làm thế nào? - Tôi bối rối.
- Tôi hỏi rồi, các bà ấy chỉ thích... bộ đội thôi. “Bộ đội nằm cạnh mình, mình ưng mà! Bộ đội làm gì cũng được, đừng “đổ nước” là được mà. “Đổ nước” mình cũng thích, nhưng mình sợ có con không giấu dân làng được”… Các “bà” ấy bảo thế đấy.
Ngọc làm gì biết tiếng dân tộc, chắc là anh bịa ra đoạn sau.
- Giời ạ!... - Tôi nói - Rồi, đành vậy. “Chết một đống còn hơn sống một người”. Nằm sát vào nhau, cứ một bộ đội lại một dân công nữ. Du kích nam nằm rìa hai bên. Lấy lời các “bà” ấy làm mệnh lệnh: Làm gì cũng được, trừ “đổ nước”!
- Chỉ có ông với cậu Hoa và cậu Bình thôi, còn tôi và mấy cậu khác phải gác, phải trực đón thương binh.
- Thế cũng được. Có sáu "bà" phải không? Mỗi thằng "ôm" hai "bà". Được. Nằm sát vào. Chỉ lo pháo với muỗi đã đủ co vòi lại rồi, "bắc nước", "đổ nước" thế nào được.
Đêm ấy "pháo đĩ" cầm canh như ghen với mấy cô dân công ngực trần. Tối quá chả thực mục được gì, nhưng xem ra mấy cô trẻ cũng "ngon" đáo để. Mỗi lần pháo điểm, các cô lại rú lên ôm chặt lấy bộ đội. Người tôi nóng rực, quên cả sương lạnh cao nguyên...
Nhớ lại chuyện cũ, tôi hỏi Ngọc:
- Sau lần ấy, ông ra Bắc đi học à? Bây giờ làm gì?
- Ừ... Trước khi vào trường, tôi về quê cưới vợ. Con gái tôi nay ba tuổi rồi. Xinh lắm… Tôi mới được điều về E91 làm Trung đoàn phó phụ trách hậu cần. Còn ông, vợ con, gia đình thế nào?
- Gia đình vẫn ở quê, vợ… đang tìm. Cũng muốn có em ngực trần nào ở đây đòi “ca cóng” cùng thì tốt quá… - Tôi cười nói vui.
Nói chuyện được một lát thì có lính đến gọi Ngọc về hành quân. Ngọc bảo:
- Tiếc quá, đơn vị mình phải sang Tây Bắc rồi. Biết cậu ở đây là được. Mà này, tớ đọc bài của cậu rồi đấy. Nhà báo nhà văn thật rồi còn gì.
***