-
NGHĨA TÌNH TRƯỜNG SƠN
(25/02/2012 00:02:09)
-
Trong không khí trang trọng của buổi lễ, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Trần Thế Tuyển điểm lại kết quả của giai đoạn một chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Từ những kết quả đáng trân trọng này, chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã tạo thành phong trào rộng lớn, cả nước cùng vào cuộc hướng về Trường Sơn huyền thoại.
Giai đoạn hai của chương trình được phát động ở tầm cao mới với đối tượng thụ hưởng nhiều hơn, địa bàn rộng hơn với sự tài trợ không chỉ của doanh nghiệp mà còn có các tổ chức, đoàn thể, cá nhân trong và ngoài nước.
NGHĨA TÌNH TRƯỜNG SƠN
|
Trường Sơn - Nghĩa tình còn mãi | ||||||||||||||||||||||
Thứ sáu, 24/02/2012, 23:35 (GMT+7) | ||||||||||||||||||||||
(SGGPO).- Tối 24-2, tại Nhà hát TPHCM, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đồng tổ chức chương trình gala “Nghĩa tình Trường Sơn” lần hai, nhằm sơ kết giai đoạn một và khởi động giai đoạn hai. Đến dự có các đồng chí: Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Trung tướng Trần Hoa, Tư lệnh Bộ đội biên phòng; Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh; Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; lãnh đạo Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang các tỉnh, thành cùng các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ tại đường Trường Sơn. Tướng Đồng Sỹ Nguyên (Chủ tịch danh dự Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh) do điều kiện sức khỏe không cho phép nên không thể tham dự, đã gửi lời bày tỏ sự cảm động trước việc làm cao đẹp của chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức trong những năm qua.
Lên sân khấu trong bộ quân phục nghiêm cẩn, Anh hùng Lực lượng vũ trang Trường Sơn Nguyễn Viết Sinh tần ngần xúc động, vừa thoáng ngậm ngùi khi nghe nhắc đến kỷ lục “người chiến sĩ giao liên đường Trường Sơn thồ hàng với tổng đoạn đường dài nhất” mà ông vừa được tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận . Ông chậm rãi trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình mà nghe giọng rưng rưng: “Đó là phần thưởng cho một cuộc thi thầm lặng không có trọng tài, chỉ có đồng đội. Ngay lúc này đây, tôi nhớ đồng đội. Xưa, đi gùi hàng, tải, ngày ngày, anh em đồng đội động viên nhau gùi thêm ít hàng, tải thêm ít đạn. Thêm một gùi hàng là đồng bào miền Nam bớt phần cơ cực, thêm một viên đạn là ngày thống nhất đất nước sẽ càng gần. Thành tích này là của chung anh em đồng đội chứ đâu của riêng mình”.
Tham gia đường Trường Sơn từ năm 1961, ông Sinh nằm trong lứa quân đầu tiên tham gia vận chuyển vũ khí, nhu yếu phẩm chi viện cho miền Nam. Hơn 50 năm trôi qua, hòa bình rồi, ông ít có dịp gặp lại đồng đội cũ. “Lâu lâu nhận được tin thì thường là tin buồn nhiều hơn là tin vui: Có người bệnh nặng, người qua đời, người lại sống trong nghèo nàn cơ cực. Năm rồi, tôi tổ chức một chuyến cho anh em đồng đội về thắp nhang tại Nghĩa trang Trường Sơn mà phải xuôi ngược vận động mãi mới kiếm đủ tiền cho các ông ấy đi. Tội nghiệp, có người nghèo đến mức không đủ tiền góp tiền xe. Nếu có một mong ước, tôi ước chi những người lính Trường Sơn năm nào vẫn được khỏe mạnh, hạnh phúc, cùng nhau trở lại Trường Sơn một lần, đến nơi đơn vị đóng quân, sống với nhau một đêm trong không khí hồn nhiên thời trai trẻ”- ông nói.
Đôi hốc mắt hõm sâu không thể nhìn người đối diện, giọng nói ngập ngừng do không rành tiếng Kinh, vậy mà câu chuyện của người giao liên mù tải đạn Alăng Bhuôch (người K’Tu) khiến người nghe bồi hồi xúc động. “Alăng Bhuôch không có con mắt nhưng có 2 cái chân, 2 cái tay. Miền Nam chưa giải phóng, Alăng Bhuôch muốn độc lập, vậy là đi chiến trường thôi”. Gùi trên lưng, gậy trên tay, vượt đèo, lội suối, băng dốc, xuyên rừng, Alăng Bhuôch miệt mài cõng vũ khí, lương thực. Đường xa, nguy hiểm giăng tứ bề, vậy mà chưa một lần Alăng Bhuôch làm mất vũ khí, đạn dược.
Lời thơ nhói lòng. Và khi tác giả của bài thơ xuất hiện giữa sân khấu trong màu áo nâu sồng, cả khán phòng như nghẹn lại. Sư thầy Đàm Phương - nữ thanh niên xung phong xinh đẹp ngày nào giờ đã nương nhờ cửa Phật. Sư thầy chia sẻ: “Mấy chục năm rồi mà hễ nhắm mắt là kỷ niệm lại hiện về: bom rơi, đạn nổ, xe cháy, người chết, đói khát, sốt rét… Những ngày nắng rát cháy da hay những đêm mưa gió dầm dề, mấy chị em mặc áo phao, áo mưa trắng làm cọc tiêu dẫn đường cho xe chạy trên tuyến đường 20 Quyết Thắng. Rồi những lần mấy chị em ôm nhau khóc trong chiến hào. Không nghĩ đến thì thôi, cứ nghĩ đến là không cầm được nước mắt”. Hòa bình về, đến thăm đồng đội cũ, có người ôm chầm lấy Phương mà trách: “Sao mày đi tu mà không... rủ tao đi cùng?”. Hỏi ra mới biết nhiều chị em khổ quá, người không có chồng, người có chồng lại không thể có con, người có con thì 3 lần sinh đều không nuôi được vì đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam”. “Có mặt trong chương trình hôm nay, tôi rất vui. Thông qua chương trình, rất mong mọi tấm lòng trong xã hội sẽ hướng về, giúp đỡ chia sẻ bớt một phần khó khăn mà những người lính Trường Sơn - những anh chị em đồng đội tôi đang gánh chịu”- bà xúc động nói.
Trong không khí trang trọng của buổi lễ, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Trần Thế Tuyển điểm lại kết quả của giai đoạn một chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Từ những kết quả đáng trân trọng này, chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã tạo thành phong trào rộng lớn, cả nước cùng vào cuộc hướng về Trường Sơn huyền thoại. Giai đoạn hai của chương trình được phát động ở tầm cao mới với đối tượng thụ hưởng nhiều hơn, địa bàn rộng hơn với sự tài trợ không chỉ của doanh nghiệp mà còn có các tổ chức, đoàn thể, cá nhân trong và ngoài nước. Các mục tiêu dự kiến chính: xây dựng 800 căn nhà tình nghĩa (45 triệu đồng/căn); xây dựng 3 đền thờ liệt sĩ Trường Sơn tại 3 địa điểm: trọng điểm A-T-P trên Đường 20 Quyết Thắng sát biên giới Lào, giao điểm Đông-Tây Trường Sơn tại Ngọc Hồi - Kon Tum, và căn cứ điểm cuối cùng của đường Trường Sơn ở huyện Lộc Ninh tỉnh Bình Phước với tổng trị giá 45 tỷ đồng; dành 5 tỷ đồng xây dựng 5 trạm xá tại các bản làng biên giới thuộc các tỉnh Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Trị, Xavanakhet (Lào), Rattana Kiri (Campuchia); tài trợ 2.500 suất học bổng trị giá 5 tỷ đồng; thực hiện bộ phim ký sự “Trở lại Trường Sơn huyền thoại” dài 52 tập với sự phối hợp của Đài Truyền hình TPHCM, dự kiến phát sóng từ tháng 5-2012 trên kênh HTV9… Từ giai đoạn hai, Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một trong hai thành viên của Ban Tổ chức chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Phó Chủ tịch Hội tâm sự chân tình: “Chương trình thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, mang tính nhân văn sâu sắc, chẳng những người còn sống được quan tâm chăm sóc mà linh hồn các liệt sĩ cũng cảm nhận được những tình cảm đó. Chúng ta không thể lãng quên những người đã hy sinh, đổ xương máu mà phải có những hành động thiết thực đền ơn đáp nghĩa. Đây là cuộc hành trình của trái tim về cội nguồn. Tin rằng giai đoạn hai sẽ thành công vì có sự hưởng ứng của cả nước và vong linh các liệt sĩ ủng hộ”. Thay mặt lãnh đạo Thành ủy và chính quyền TPHCM, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà biểu dương tập thể cán bộ, phóng viên, công nhân viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã xây dựng và thực hiện tốt một chương trình từ thiện đầy tính nhân văn thông qua việc vận động, kết nối, đưa nguồn tài trợ từ nhà tài trợ đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng chí tin tưởng với sự đồng hành của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và Ban chấp hành Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, chương trình Nghĩa tình Trường Sơn giai đoạn hai sẽ thu hút được nhiều hơn sự quan tâm của các nhà tài trợ và các nguồn tài trợ; sẽ có nhiều hơn các gia đình cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong Trường Sơn cả nước và đồng bào các dân tộc sinh sống trên đại ngàn Trường Sơn được nhận nguồn tài trợ từ chương trình; sẽ có thêm những ngôi đền tưởng niệm góp phần làm ấm lòng các anh hùng liệt sĩ trên các trọng điểm máu lửa của Trường Sơn… Với những thành tích trong công tác tổ chức chương trình Nghĩa tình Trường Sơn từ năm 2009 đến năm 2011, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam được vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, 12 tập thể và cá nhân được nhận Bằng khen của UBND TPHCM vì đã đóng góp, hỗ trợ và tham gia chương trình Nghĩa tình Trường Sơn giai đoạn một (2009 – 2011).
Ái Chân - Mai Hương |
NGUỒN: www.sggp.org.vn
- 1 - Viết bởi Bùi Xuân Bính- CCB D269-QK8 Nghĩa tình Trường Sơn(29/02/2012 08:02:36)
- Là người lính cuối năm 1971 đầu 1972 cùng đồng đội Vượt Trường Sơn vào đất miền Tây Nam Bộ. Không thể quên những ngày trèo đèo lội suối vượt Trường Sơn 3 tháng trời ròng rã đi bộ, mà bây giờ chỉ có 2 tiếng đồng hồ từ Hà Nội đã vào đến Sài Gòn. Hãy nhớ và nghĩ đến những đồng đội trên dãy Trường Sơn!
- 2 - Viết bởi Hoang yen Mong những cái hiện có sớm trở thành hiện thực(25/02/2012 07:02:33)
- Mong những cái hiện có sớm trở thành hiện thực, có ai là người không mong mỏi những điều đang đến và sẽ đến, vì chỉ là sớm hay muộn. Hoàng Yên rất mong muốn như thế khi xem trương trình "Nghĩa tình Trường Sơn" chắc không phải riêng Yên mà Yên tin rằng có rất nhiều CCB E24 theo rõi trương trình này. đây là hiện thực đang đến để cứu giúp một số gia đình CCB việt Nam đã trải qua gần 40 năm chiến tranh, tuy có thể đến sớm hay muộn nhưng nó cũng an ủi phần nào của những gia đình CCB quá khó khăn,Rất mong sự giúp đỡ của những tiếng nói như các anh E24 Trung Dũng Anh Hùng