-
Rằm tháng Giêng ở miền quê xứ Nghệ
(16/02/2012 17:02:15)
-
Đền Cờn xây dựng từ thời Trần, được vua Trần Anh Tông và vua Lê Thánh Tông trên đường đi đánh giặc phương Nam đến thắp hương. Do Tứ Vị Thánh Nương hiển linh phù trợ đánh thắng giặc nên nhà vua đã ban cấp tiền bạc xây dựng đền bề thế, uy nghiêm, trở thành trung tâm tín ngưỡng của cư dân vùng biển.
Đền có phong cảnh hữu tình, kiến trúc đồ sộ, với nhiều mảng chạm khắc đề tài "Tứ linh tứ quý". Đền Cờn nổi tiếng là ngôi đền đẹp và linh thiêng nhất xứ Nghệ. (Hoàng Thái Tôn)
Hoàng Thái Tôn
Quê tôi có câu: “Cả năm được Rằm tháng Bảy- cả thảy được Rằm tháng Giêng”. Rằm tháng Giêng đã trở thành ngày hội lớn của miền quê xứ Nghệ nói chung và quê tôi nói riêng. Thời gian ăn Rằm tháng Giêng thường bắt đầu từ ngày Mười hai tháng Giêng đến hết ngày Mười sáu tháng Giêng; riêng quê tôi Rằm tháng Giêng dài tới hết ngày ngày Hai mốt tháng Giêng.
Sau cái Tết Nhâm Thìn rét cắt da, cắt thịt, chiều ngày Ba tháng Hai (tức vào ngày Mười hai Tết), tôi lên tàu từ Nha Trang về quê. Vào những ngày này, con người xa quê thường kéo nhau về thăm quê hương xứ sở, cùng gia tộc giỗ Tổ (cúng họ) đầu Xuân. Ngay cả tàu thuyền đánh cá ngoài khơi cũng tranh thủ cập bến để cùng họ hàng, gia tộc cúng Rằm tháng Giêng.
Quê tôi ở vùng biển xứ Nghệ; một vùng được cho là “đất chật, người đông”. Là một xã của Bắc Quỳnh Lưu. Trên 80% người dân làm nghề khai thác, đánh bắt hải sản; số còn lại làm dịch vụ, chế biến thủy sản và buôn bán. Vào những ngày ngày, quê tôi tấp nập xe cọ từ khắp nơi đổ về. Họ về quê để cúng Tổ (giỗ họ), thăm viếng Đền Cờn, thắp hương cúng cầu lộc đầu Xuân. Có một số từ Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội, Hải Dương... về để tìm nguồn gốc của họ hàng... Khắp các đường làng, cờ đỏ sao vàng, cờ lễ hội, băn rôn đỏ rực. Trong cái rét 13 độ, tôi cảm thấy ấm lòng khi được gặp lại người thân và bạn bè.
Một trong những bến đậu của các tàu thuyền đánh cá quê tôi
Đường làng quê tôi ngày Rằm tháng Giêng
Đền Cờn quê tôi (xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia được công nhận từ năm 1993. Đền Cờn gồm có đền trong và đền ngoài. Đền trong được lập nên để thờ Tứ Vị Thánh Nương là Dương Thái Hậu, Hoàng hậu và hai Công chúa nhà Nam Tống. Đền tọa lạc trên Gò Diệc, bên bờ sông Mai, nhìn về hướng Đông Bắc.
Nhìn Đền Cờn nhìn từ trên cầu Quỳnh Phương
Đền Cờn xây dựng từ thời Trần, được vua Trần Anh Tông và vua Lê Thánh Tông trên đường đi đánh giặc phương Nam đến thắp hương. Do Tứ Vị Thánh Nương hiển linh phù trợ đánh thắng giặc nên nhà vua đã ban cấp tiền bạc xây dựng đền bề thế, uy nghiêm, trở thành trung tâm tín ngưỡng của cư dân vùng biển.
Đền có phong cảnh hữu tình, kiến trúc đồ sộ, với nhiều mảng chạm khắc đề tài "Tứ linh tứ quý". Đền Cờn nổi tiếng là ngôi đền đẹp và linh thiêng nhất xứ Nghệ.
Một số hình ảnh của Đền Cờn quê tôi |
Cây đa cổ thụ của Đền Cờn |
Lễ hội Đền Cờn được tổ chức từ ngày 20-21/01 (Âm lịch) hàng năm, cuốn hút đông đảo du khách thập phương về dự. Nét độc đáo của lễ hội là tục "Chạy ói" mang đậm tính chất nghề nghiệp cùng nhiều trò chơi dân gian, văn nghệ, thể thao nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của một vùng sông nước.
Một tập quán từ bao đời nay để lại quê tôi là vào Rằm tháng Giêng, khắp thôn làng đâu đâu cũng tổ chức giỗ Tổ. Con cháu từng dòng họ góp tiền bạc, mua hoa, quả, rượu, thịt, lợn gà, nấu xôi mang đến nhà Thờ Họ (nếu Họ chưa có nhà Thờ thì đến nhà Trưởng Tộc) để giỗ Tổ. Lễ giỗ Tổ ở quê tôi ngày càng bài bản và mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Lễ giỗ Tổ kéo dài 2 ngày. Đêm đầu tiên là Lễ yết cáo; sang ngày sau Lễ tế. Sau khi Tế xong, rượu, thịt, lợn, gà, xôi... được để lại một phần cho con cháu trong gia tộc ăn uống tại chỗ; phần còn lại được chia về các gia đình theo số xuất (đinh) đã đóng góp. Giỗ Tổ đầu Xuân đã trở thành nét đẹp về văn hóa quê tôi./.
Bàn thờ Tổ tiên
Lễ Tế
Bài và ảnh: Hoàng Thái Tôn
- 1 - Viết bởi ninh văn Phái thông tin đồng đội(19/02/2012 19:02:14)
- rất vui, rất hay, bởi hàng năm tôi vẫn đi nghỉ mát du lịch cửa lò , nam đàn quê bác. mà không được dự lễ hội đền còn . may qua nhờ anh Hoàng Thái Tôn mà tôi biết được biết lễ hội nơi đây vào đầu xuan trên mảnh đất bắc miền trung này anh ạ. vì ở hà nội dịp đàu năm này bận nhiều việc quá nếu không tôi đã vào cùng anh dự lễ hội để cùng đồng đọi cầu cho quốc thái dân an