-
Bến tuổi thơ…
(31/01/2012 16:01:36)
-
Người ta chỉ có thể xa quê chứ mãi mãi không quên được nó. Càng có
tuổi, nỗi nhớ quê càng da diết. Tôi viết tản văn này mong được chia sẻ
nỗi niềm cùng đồng đội trong dịp đón Tết Nhâm Thìn 2012. (Nguyễn Trọng Hùng)
Hoài niệm là cách làm trẻ tuổi già. Chả biết bao giờ mới đến ngày xưa - những ngày thơ mộng, nghèo khó, đục buồn mà lòng lại trong veo!...
Tôi đang sống và hạnh phúc bên dòng Lô oai hùng, dòng sông kháng chiến giữa Thủ đô Kháng chiến. Tôi đã đi qua hàng trăm dòng sông dữ dội có, hiền hoà có khắp trong Nam, ngoài Bắc. Nhưng có lẽ, nặng lòng nhất vẫn là con sông quê, dòng sông tuổi thơ tôi.
Tên sông nghe buồn đứt ruột: sông Lèo! Sông nhỏ thôi, rộng chưa tới chục mét, dẫn nước từ sông Đào về. Đấy là sợi chỉ mảnh, ngoằn ngoèo chảy qua bao luỹ tre, bao cánh đồng, làm nên bao bờ bãi, bao bến nước xôn xao… Không biết dòng sông có biết mình nên thơ không, nhưng chúng tôi bao giờ cũng thấy nó quá ư vất vả! Nói bằng thật, lũ trẻ chúng tôi chưa bao giờ đi đến tận cùng dòng sông dù nó chỉ nằm trên đất của ba xã. Mà có việc gì để phải đi cơ chứ! Một đoạn sông qua làng tôi dài vài cây số, ngày nào tôi chả mò mẫm trên đó nhưng chỉ ở từng khúc thôi. Sông làm nên tâm hồn tuổi thơ tôi, nhưng nó cũng là nơi chia cắt làng tôi với ba nhà xóm trại thuộc làng Đồng Vân. Để sang ba nhà ấy, phải qua ba cây cầu tre. Cầu nào cũng ba nhịp nhưng vững chãi hơn cả là cầu sang nhà Vân. Lần đầu qua cầu, tôi và bọn bạn phải với hết cỡ tay, lần từng bước ngang như cua, mất đến năm bảy phút mới sang được bờ bên kia. Lớn lên, tôi đã mấy lần chở rạ bị vướng vào tay vịn cầu. Rạ chống thành lùm ngoài đồng, được nắng, trắng óng ả, thơm phức. Rạ ấy chỉ có ở giống lúa Di Hương, Mộc Tuyền hoặc nếp cái. Nhà tôi ít người, bà mất, còn lại ba mẹ con, phải gom rạ được chia của hợp tác xã từ vài ba năm lại mới đủ để lợp cái nhà đất hơn ba gian bé tẹo. Thế mà vướng cầu, thuyền quay ngang, rạ bị hất xuống sông mất gần một nửa. Tiếc công tiếc của, tôi khóc đã đành, thằng em tôi cũng sụt sùi lo về anh bị mẹ mắng…
Con sông là nguồn lợi không riêng nhà nào. Nước cho thâm canh lúa ngô đã đành, quan trọng là đất phần trăm có hạn, dân làng chia nhau mỗi nhà một đoạn, đắp bùn lên thành bãi để trồng rau muống nuôi người, trũng thì cấy khoai ngứa nuôi lợn. Cái tài là sự chia bôi diễn ra tự nhiên, êm thấm, chẳng bao giờ ồn ào, ầm ĩ cả. Tháng tám, nước mưa ứ lại, sông dềnh lên, muống nổi thành bè, rệ sông nhà nào cũng một vài ngọn tre cắm neo bè muống lại. Bọn tôi đánh dặm, cái cào lùa sâu vào gầm bè muống, cá cua, ốc ếch trú ngụ trong đó làm ngất ngây những buổi chiều. Nhưng không phải không có người khó tính, có bà kêu trời vì sợ nát bè muống.
Bến sông, rộn rã nhất là những chiều hè. Bọn trẻ con chúng tôi chăn trâu về, thả trâu trên bãi rồi nhào hết xuống sông tắm. Khi nhận trâu từ các ông thợ cày, chúng tôi đã nhanh chóng tắm qua cho trâu để còn “nhong nhong ngựa ông đã về”. Mà ai chả biết, con trâu ăn no gặp nước, y rằng nó… tũn. Ỉa non đái ép mà! Thời ấy cái gì chả quý. Đi đường, thấy bãi phân trâu, ai trông thấy trước, đánh dấu bằng một cái que nhỏ, thậm chí một cọng rơm cắm vu vơ lên đấy thôi có để đến mai cũng không ai hót mất. Bây giờ, chưa hở ra đã mất, khoá điện tử kẻ trộm cũng còn bẻ được…
Làng tôi hơn hẳn các làng khác bởi có bến sông bắc bằng đá phiến, không phải một mà nhiều bến, không chỉ có bến ngắn mà có cả bến dài. Đây là lộc của làng có người làm quan. Hầu hết các bến đều trồng hai bên hai cây bàng, duy có bến Gốc Gáo, thì một bên có cây gáo. Bến sông thường là của chung, không như làng dưới và dân xóm trại, toàn bắc bằng mấy đoạn tre ghép lại hoặc bằng tấm ván thôi làm cầu rửa. Đêm đến, có việc phải qua bến bắc cầu gỗ ván thôi chờn trợn rợn cả người.
Bến Gốc Gáo còn có tấm đá to như cái chiếu lát ngầm sát lòng sông. Tắm ở đấy sướng lắm bởi nước không bị đục bùn. Hồi bé, tôi hay được bà nội lôi ra sông, lột trụi rồi dìm xuống tấm chiếu đá mà kỳ cọ đến rát cả người, kì cho đến hết ghét mới thôi. Không ít lần, gặp con gái đi qua, nó liếc nhìn thật nhanh, bêu bêu rồi ù té chạy. Tôi xấu hổ ngụp xuống nằm sát phiến đá mát như thạch...
Thời ấy, bọn nhóc chúng tôi làm gì đã có quần đùi quần lót. Nhiều lần tắm, tôi hay bị mấy bà bạn trầu cau với mẹ, gọi vọng bọn con gái đến, trêu chọc. Các bà ấy hay gán ghép tôi với đứa này, đứa kia làm tôi uất tận cổ, mặt đỏ vì xấu hổ. Có lần, nhân lúc các bà ngồi hóng mát ăn trầu với mẹ, tôi to nhỏ nhắc chuyện “ma cây gáo” với thằng em, ra điều nghiêm trọng lắm. Trước nay đã phong thanh chuyện này, nhưng chưa ai gặp. Các bà nghe thấy “ma” liền dựng tai lên nghe. Giữa lúc ấy, gió thổi làm bụi tre gai cạnh ao nhà tôi oặn ẹo ken nhau kẽo ka, kẽo kẹt… Chuyện “ma cây gáo” được thêu dệt lên làm chúng tôi bấm bụng sướng. Tới tận ngày đi bộ đội, tôi chữa lại câu chuyện ma bịa đặt kia nhưng các bà vẫn tin, vẫn chẳng dám một mình đi đêm qua bến sông có cây gáo già nua, gốc sần sùi đầy bướu...
Làng tôi có nhiều ngôi đình, ngôi chùa cổ. Đình nào cũng to đùng nằm vuông góc với một ngôi đền nguy nga. Năm lớp Một, tôi học trong đình Hồ Sen. Còn ngôi chùa đầu làng thật dễ nhận ra bởi hai cây đa to dễ đến mấy trăm năm tuổi, cạnh đó là sân gạch rộng, hợp tác xã chia ra được ba sân kéo lúa. Từ thành phố theo quốc lộ 21 về, cách cả cây số đã thấy hai cây đa đầu làng.
Mới đây tôi mới có dịp về quê sau bốn mươi bốn năm xa kể từ ngày đi bộ đội. Lâu như vậy mới về vì gia đình tôi đã chọn Tuyên làm quê hương thứ hai. Bọn bạn tuổi sàn sàn nhau hò nhau về họp lớp. Bọn con gái đã về hưu có đứa sáu, bảy năm nay rồi. Nó rủa tôi, làm báo là phải nay đây mai đó, thích đi đâu thì đi chứ sao lại bấu chặt lấy gốc cây đa Tân Trào như thế? Tôi chẳng cãi. Mà cãi làm gì, quê mình có còn như cũ nữa đâu! Dòng sông và những bến nước yêu thương giờ đúng là đã về trời cả rồi. Xóm trại giờ là khu trang trại lớn hàng chục hec-ta trồng đủ các loại hoa và cây cảnh. Thằng bạn tôi tên Kề, năm lớp Năm nó đi đánh cào dưới sông, vớ được quả lựu đạn Pháp, về kì cạch tháo. Lựu đạn nổ, may mà nó chỉ bị mất bàn tay phải. Nó hiện là chủ nhân khu cây cảnh ấy. Nó bảo tôi, chẳng biết thật hay đùa, về hưu rồi ở mãi nơi xa lắc xa lơ ấy làm gì, về quê nó cho một sào đất làm nhà, vào trại cây của nó làm, lương tháng thích bao nhiêu trả bấy nhiêu. Ừ, thế quá hay, nhưng ăn dưng của bạn đâu phải là người! Lại còn vợ, còn con cháu, còn bạn bè ăn đời ở kiếp với nhau? Hơn thế, đã có những dòng sông mới làm nên muôn vàn kỷ niệm, làm nên cuộc sống đời người của tôi. Tiền quý thật nhưng làm sao mua được tình?
Dòng sông mất rồi kỷ niệm giữ ở đâu? Một khu công nghiệp đang hình thành ngay bên kia bến Đồng Vân. Gốc gáo cũng chẳng còn. Gặp cái Vân, tôi hỏi: “Cầu tre tuổi thơ của chúng mình đâu?”, nó nhe răng cười. Hàm răng nó, bà lão rồi mà vẫn nhưng nhức trắng như mấy chục năm trước. Nó hỏi, sao ông bỏ bến sông quê? Câu hỏi làm tôi lên Tuyên cứ nhìn thấy sông Lô lại ứa nước mắt nhớ sông làng mình xưa. Mà cái Vân có còn ở xóm trại nữa đâu, đời nó đã gắn với dòng Hoàng Long lắc lơ xa tận thời Đinh, thời tiền Lê rồi mà…
Chắc chúng nó cũng giống tôi, trừ thằng Kề, đêm đêm thường giật mình gọi vu vơ:
- Sông Lèo ơi! Sông Lèo!...
Thành Tuyên, 1.2012
Nguyễn Trọng Hùng