-
Nhà báo Nguyễn Trọng Hùng, CCB E24 được tặng giải B cuộc thi viết về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2011
(23/12/2011 21:12:50)
-
Bốn giải B gồm: Chợ quê bóng núi, tác giả Nguyễn Trọng Hùng (Báo Tuyên Quang); Có thực mới vực được đạo, tác giả Nguyễn Trọng Ðạt (Báo Nhân Dân); Cây đước trên cánh đồng tôm, tác giả Nguyễn Tiến Lộc (Hà Nội); Trồng lúa trên cát giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, tác giả Nguyễn Thị Thúy Ái (Gia Lai).
E24.com.vn than hữu v à đ ồng đội xin chúc m ừng anh!
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao giải B cho các tác giả. (Nhà báo
Nguyễn Trọng Hùng, CCB E24 đứng thứ 2 từ phải qua trái).
Theo Báo Nhân Dân, tối 20-12, tại Cung văn hóa Hữu Nghị (Hà Nội), Báo Nhân Dân và Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2011.
Ðến dự, có các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Ðinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ðặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ðinh La Thăng, Bộ trưởng Giao thông vận tải và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành; các cơ quan thông tấn báo chí.
Báo cáo tổng kết cuộc thi, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Ðảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nêu rõ: Nhằm góp phần đưa Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư, ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, tháng 4-2011, Báo Nhân Dân phối hợp Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) mở cuộc thi viết về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cuộc thi nhằm động viên khích lệ những nhà báo chuyên nghiệp, cộng tác viên, cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân cả nước viết về những thành tựu trong xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thông qua các tác phẩm báo chí thúc đẩy Chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cuộc thi còn góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng tuyên truyền về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát hiện những nhân tố mới, điển hình trong lĩnh vực phát triển kinh tế trang trại, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nông thôn mới. Ðồng thời biểu dương những tập thể, cá nhân, doanh nghiệp... nỗ lực đưa giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tạo hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp; cổ vũ các điển hình thực hiện tốt Nghị quyết của Ðảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, năng động trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Ðồng thời thông qua cuộc thi phân tích, đề xuất những giải pháp, kinh nghiệm thực tiễn có tác dụng thiết thực đối với phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tình hình mới. Sau một thời gian ngắn phát động, Ban tổ chức cuộc thi nhận hơn 300 tác phẩm dự thi của nhiều tác giả trên mọi miền đất nước. Hàng trăm tác phẩm đã được lựa chọn đăng trên các ấn phẩm của Báo Nhân Dân.
Trên cơ sở các tác phẩm đã được đăng, Ban tổ chức lựa chọn 20 tác phẩm để trao thưởng, trong đó có một giải A của tác giả Bùi Sĩ Tiếu (Thái Bình) với tác phẩm: "Mô hình sản xuất nông nghiệp nào phù hợp với cơ chế thị trường và quá trình CNH, HÐH ở nước ta hiện nay".
Bốn giải B gồm: Chợ quê bóng núi, tác giả Nguyễn Trọng Hùng (Báo Tuyên Quang); Có thực mới vực được đạo, tác giả Nguyễn Trọng Ðạt (Báo Nhân Dân); Cây đước trên cánh đồng tôm, tác giả Nguyễn Tiến Lộc (Hà Nội); Trồng lúa trên cát giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, tác giả Nguyễn Thị Thúy Ái (Gia Lai).
Bốn giải C: Ðưa cây lúa nước đến với đồng bào Rục, tác giả Viết Lam (Báo Biên phòng); Làm cách nào để người trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long hết thua thiệt?, tác giả Lưu Quốc Thắng (Báo Nhân Dân); Ðể vốn cho vay của ngân hàng đến với hộ nông dân, tác giả Ðỗ Xuân Trường (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); Khát vọng dưới chân núi Tà Năng, tác giả Hoàng Công Tâm (Ninh Thuận) và 11 giải khuyến khích: Mô hình "Ruộng lúa bờ hoa", tác giả Nguyễn Văn Thước (Cà Mau); Sức mới Thanh Chăn, tác giả Nguyễn Uyển (Phú Thọ); Nguồn vốn FDI và sự phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng Nam Bộ, tác giả Dương Thị Kiều Nhi (Cần Thơ); Anh nông dân và giống lúa AC5, tác giả Thanh Trúc (Báo Nghệ An), Góp phần cho mùa lúa bội thu, nhóm tác giả Vũ Thành, Trần Hảo (Báo Nhân Dân); Ngân hàng lương thực cộng đồng ở Ðác Hà, tác giả Trần Thị Luyên (Kon Tum); Ðổi mới cách chăn nuôi vịt chạy đồng, nhóm tác giả Ngọc Lê - Hà Thành Thăng (TP Vĩnh Long); Ý chí làm giàu của anh Nguyện, tác giả Tấn Vũ (Báo Nhân Dân); Ðường lớn mở khi hợp lòng dân, tác giả Trần Nguyên Phong (Quảng Trị); Xóa đói, giảm nghèo từ tre Ðiền Trúc, tác giả Lê Quang Hồi (Gia Lai); Xây dựng nông thôn mới nhìn từ xã Hà Hiệu, tác giả Nguyễn Văn Lợi (Bắc Cạn).
Từ thành công của cuộc thi viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2011, thay mặt Ban tổ chức, đồng chí Thịnh Giang, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đã phát động cuộc thi cùng chủ đề cho năm 2012.
Chợ quê bóng núi...
Người dân mua bán thiết bị gia dụng tại chợ Nà Ho (Trung Sơn - Tuyên Quang)
|
Khoảng thập niên 80 thế kỷ 20, tỉnh Tuyên Quang chủ trương mở chợ ở thị trấn Nà Hang nhưng không thành. Nà Hang vùng quê huyền thoại nổi tiếng với nhiều sản vật như cá dầm xanh, anh vũ sông Gâm; lê, mận, chè Hồng Thái; mật ong rừng Sơn Phú... Con gái Nà Hang có tục chuẩn bị chăn, vải vóc, áo váy cho cả đời làm dâu. Sản vật ấy cũng như bao sản vật khác đâu có dư thừa mà bán chác, chưa có hàng hóa làm sao mở chợ được?
Hơn mười năm trở lại đây, tỉnh có chính sách khuyến khích phát triển chợ, cấp xi-măng bó, láng nền, cấp tấm lợp phi-brô xi-măng lợp nhà đình. Dân hoan nghênh lắm! Bây giờ, xã, thị trấn nào chả có chợ. Hàng hóa phải tìm đến người tiêu dùng, một điều trái ngược với ngày xưa. Dân quê hiểu đổi mới, biết đến kinh tế thị trường chính từ điều giản dị ấy. Nó không chỉ thiết thực phục vụ đời sống, mà quan trọng hơn tác động tích cực vào phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa. Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Nhữ Hán (Yên Sơn) Bút Kỳ kể cho nghe câu chuyện mở chợ hay đáo để. Ông cho biết, xã An Khê cũ đã có chợ nhưng dân hơn chục xóm, sau này thành xã Nhữ Hán toàn phải sang Nghinh Xuyên, Ðông Khê (Ðoan Hùng, Phú Thọ) để mua bán. Ông nghĩ, sản xuất hàng hóa cái nỗi gì trong thế chẳng "cận giang, cận thị". Xã ông ra sông Chảy cũng phải qua xã bạn, ra quốc lộ 37 cũng phải qua đất người. Ông làm đơn lên xã xin được chữ ký rồi gợi hỏi ý kiến huyện. Huyện khuyến khích ông, thế là về ông thuê xe ủi vào xóm Gò Chè mở đường, san mặt bằng dựng chợ. Bà con, mỗi hộ chỉ nộp có 300.000 đồng tiền san ủi mặt bằng cho HTX. Tôi hỏi: "Phố chợ giờ sầm uất, đẹp thế này, có ai gọi là phố ông Bút Kỳ không?"- Ông Bút Kỳ cười: "Gọi gì cũng mặc, miễn là chợ ra chợ, phố ra phố là được rồi!". Giờ chợ này là chợ trung tâm không chỉ của xã, mà của cả vùng. Tuần bây giờ phải họp tới ba phiên. Tỉnh cũng đã hỗ trợ xi-măng, sắt thép, tấm lợp để làm mới chợ Gò Chè này.
Hiện Tuyên Quang có nhiều nữ doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Họ là chiếc cầu nối thị thành, công nghiệp với nơi thôn dã, nông nghiệp, nông dân. Chợ Giuộc (xã An Khang, TP Tuyên Quang) ngay bên hữu ngạn sông Lô, đối diện với xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương), giống bao chợ khác. Xưa, là chợ của mớ rau, con cá, chợ của những bà, những chị đầu tắt mặt tối suốt ngày. Nhớ ngày chợ tìm về, bấm bụng bán đấu thóc, rổ khoai lấy tiền nuôi con ăn học. Nay chợ không còn bán thóc, chỉ bán gạo mà toàn loại gạo ngon; các bà, các chị, trẻ con đến chợ thế nào cũng phải thưởng thức một trong các loại bánh nếp, bánh tẻ gói lá hay bánh đa nướng ngon chẳng khác gì bánh đa Kế. Chợ la liệt hàng tiêu dùng, nhiều thứ xa xỉ nhưng vẫn không lấn át được các loại thổ sản, lâm sản, thủy sản đặc trưng của từng vùng...
Ai lần đầu đứng trước cổng chợ Ðĩa, xã Cấp Tiến (Sơn Dương) cũng phải ngơ ngẩn. Nó cổ kính như cổng làng xưa vậy! Chợ nằm bên tả sông Lô. Năm 2000, được Nhà nước hỗ trợ, nhân dân góp tiền và công xây dựng, nâng cấp thành chợ khang trang. Chợ rộng tới 3.800 m2, nền bó láng xi-măng, cột bê-tông, mái lợp phi-brô xi-măng. Chợ Ðĩa họp 12 phiên/tháng, trong đó có sáu phiên chính và sáu phiên phụ, thu hút không chỉ người trong huyện mà cả trong tỉnh, ngoài tỉnh. Chợ Ðĩa nổi tiếng bằng sự lâu đời, quy củ của mình; nổi tiếng cùng với việc xã bê-tông hóa đường nông thôn nhiều, nhanh nhất tỉnh, và có vùng chuyên canh ngô bãi lớn cũng nhất tỉnh (146 ha). Chính vì thế, gà đồi Cấp Tiến có tiếng khắp vùng... Trên địa bàn huyện Sơn Dương, trong tổng số 32 xã, thị trấn, hiện có 27 chợ nông thôn đã được xây dựng bán kiên cố, hoặc kiên cố. Nhà nước hỗ trợ 70 triệu đồng/chợ, doanh nghiệp và nhân dân góp thêm vốn cùng làm. Ðấy là cách làm chung trong toàn tỉnh. Chợ khang trang hơn nhưng trong tâm tưởng, nhiều người vẫn nhớ "lều tranh mái xiêu" với bóng những người đàn bà quê mùa ruột thịt của mình. Người phố thị về quê, ai cũng muốn tìm lại chính mình bên rệ cỏ với những mẹt rau dưa, hoa quả vườn nhà, những giỏ cua ốc, những rổ cá tép đồng quê...
Cũng có dạo tỉnh định mở chợ đầu mối bán gia súc, chủ yếu là bò, trâu, ngựa. Nhưng mới chỉ định thôi, chưa làm được, còn chợ Hùng Lợi (Yên Sơn) đã có từ lâu rồi. Ðây là nét riêng của Hùng Lợi, xã có đông đồng bào dân tộc Mông. Ai muốn mua gì cứ đến, trâu mộng, bò tơ, ngựa hay đều có cả. Chợ Hùng Lợi còn có tiếng về hàng thổ cẩm, váy áo dân tộc Mông, Dao và nhiều dân tộc thiểu số khác do chính phụ nữ trong xã làm ra.
Tuyên Quang có một chợ, gọi là Chợ văn hóa Nà Ho. Chợ nằm trên địa bàn xã Trung Sơn, một tuần họp một phiên vào ngày chủ nhật. Chợ đã thu hút hơn 200 hộ kinh doanh của các xã vùng ATK Yên Sơn và vùng lân cận về kinh doanh buôn bán. Năm 2008, nhằm phát triển thương mại, dịch vụ vùng ATK Yên Sơn, tỉnh đã đầu tư 2,1 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Chợ văn hóa Nà Ho. Công trình có tổng diện tích hơn 10.000 m2. Ngoài hệ thống các ki-ốt bán hàng, chợ còn được xây dựng thêm nhà đình, sân khấu ngoài trời, bên trong khuôn viên được trồng hoa, cây cảnh.
Ðây là chợ nông thôn được xây dựng hoàn chỉnh và hiện đại nhất tỉnh hiện nay. Chợ không chỉ thúc đẩy giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu văn hóa. Từ khi chợ đi vào hoạt động, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao trong vùng cũng được tổ chức thường xuyên làm cho vùng quê hẻo lánh, xa xôi thêm nhộn nhịp, tinh thần bà con các dân tộc thêm phong phú và quan trọng hơn, đời sống vật chất của đồng bào ngày càng được cải thiện.
Còn ở Hàm Yên có một chợ rất độc đáo: chợ Thụt, xã Phù Lưu, thu hút đông đảo người dân các dân tộc Mông, Dao, Tày, Cao Lan, Kinh xúng xính và rực rỡ trong sắc áo váy của dân tộc Mường. Mỗi năm chợ chỉ họp một phiên. Theo kể lại, chợ Thụt ra đời từ hội ném còn cầu may, cầu mùa. Rồi trai gái hẹn hò, rồi nhân dân vui giao lưu, giao thương. Chợ như hội! Nét độc đáo của chợ là người mua không mặc cả, người bán không nói thách. Ai cũng tâm niệm rằng, đến chợ để "mua may bán rủi". Nhiều người nên vợ nên chồng nhờ ngày xuân tìm về chợ Thụt. Nay đi lại thuận tiện, chợ Thụt có thêm trai thanh, gái lịch khắp nơi, chẳng kể đó là miền núi hay miền xuôi, người Kinh hay đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chợ làng là cái gương quê. Ðến chợ nông thôn dù là ai cũng có thể lục lại quá vãng đời mình với những kỷ niệm xưa. Chợ Việt, tâm hồn Việt mà! Chợ quê giống ngôi làng cổ, đừng biến nó thành "siêu" gì gì nhé!... Chợ quê mãi là bóng núi, hình sông làm nên vùng nông thôn mới đậm bản sắc dân tộc, văn minh và thật sự hiện đại...
- 1 - Viết bởi Hoàng Văn Bắc (27/12/2011 08:12:09)
- Chúc mừng Anh Nguyễn Trọng Hùng về giải báo chí mà Anh vừa nhận được. Chúng tôi những CCB của trung đoàn 24 Anh hùng rất tự hào về Anh. Đọc bài báo CHỢ QUÊ BÓNG NÚI... của Anh, người dù chưa một lần đến Tuyên Quang cũng qua đây mà biết thêm về một vùng quê. Anh đã rất thành công trong việc giới thiệu về miền quê này, bởi ở đâu cũng vậy, cái chợ nói lên tất cả, chợ là bộ mặt của một vùng mà. Bài báo rất hay. Nhân dịp năm mới Nhâm Thìn Kính chúc Anh và gia đình MẠNH KHỎE, HẠNH PHÚC, THÀNH ĐẠT và có nhiều bài báo, bài thơ hay!
- 2 - Viết bởi Mạc Duy Tiến CHÚC MỪNG NHÀ BÁO NGUYỄN TRỌNG HÙNG(25/12/2011 23:12:18)
- thật vinh dự trung đoàn 24 anh hùng,một lần nữa đồng đội lại có thêm một tài năng , làm sao lại không tự hào cơ chứ hả trời xin chúc mừng anh, nhân đây em muốn anh viết về cái thời anh em mình ở kênh CÀ MÍT LỐI RA KÊNH 10 MỸ LONG lặn xuông kênh,hai tay bắt hai con cá TRÊ TO TỔ TRẢNG VỀ KHO ĂN VỚI CƠM GẠO THẦN NÔNG 22 VẬY MỚI CÓ SỨC MÀ SỐNG TỚI NGÀY HÔM NAY ÁC LIỆT MÀ LẠC QUAN ANH NHỈ em viết rồi còn đợi anh thôi đó, mong anh lưu tâm nhá ,chúc anh luôn khỏe có nhiều tác phẩm MỚI XƯNG DANH NHỮNG NGƯỜI CON CỦA TRUNG ĐOÀN 24 ANH HÙNG ...
- 3 - Viết bởi ninh văn Phái tình đồng đội(24/12/2011 10:12:51)
- rất vui lại được dọc những trang viết về chợ quê, miền núi của đồng đội mình mà cũng là đồng hương nam định quê ta. có nhưng phiên chợ tết của vùng phủ dầy vụ bản ý yên nay anh viết về chợ quê bóng núi trên tuyên quang việt bắc mà cứ như n úi gôi vụ bản ấy nghe mà sao quên thế; chúc mừng anh chúc năm mới vạn sư tốt lành đến với gia đình đồng đội mình
- 4 - Viết bởi Hoàng Thái Tôn Chúc mừng anh Nguyễn Trọng Hùng(24/12/2011 07:12:51)
- Xin chúc mừng anh Nguyễn Trọng Hùng, CCB E24 của ta viết báo rất hay. Đọc bài báo của anh, tôi thích nhất đoạn:"Chợ làng là cái gương quê. Ðến chợ nông thôn dù là ai cũng có thể lục lại quá vãng đời mình với những kỷ niệm xưa. Chợ Việt, tâm hồn Việt mà! Chợ quê giống ngôi làng cổ, đừng biến nó thành "siêu" gì gì nhé!... Chợ quê mãi là bóng núi, hình sông làm nên vùng nông thôn mới đậm bản sắc dân tộc, văn minh và thật sự hiện đại...". Nhân dịp năm mới, chúc anh và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và ngày càng đạt được nhiều giải thưởng lớn trong sự nghiệp báo chí của anh. Hẹn gặp anh tại Nha Trang những ngày gần nhất.