-
CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ
(05/12/2011 12:12:32)
-
...Ngày ấy, cuối năm 1971, đơn vị tôi đang huấn luyện giai đoạn cuối để chuẩn bị vào chiến trường. Đại đội tôi đóng quân tại xã Quang Trung, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Trung đội tôi ở thôn Xạ Sơn. Lúc đó tôi là tiểu đội trưởng, Diệp là chiến sỹ trong tiểu đội. Ngoài tôi ra, anh em trong tiểu đội là người huyện Nam Sách, cùng quê với Diệp và vừa mới rời ghế nhà trường phổ thông. Đại đa số ở tuổi 17 và 18. Họ còn rất trẻ. Sống với nhau, chúng tôi yêu thương nhau, coi nhau như anh em ruột thịt." HOÀNG THÁI TÔN
Chuyện bây giờ mới kể
Hoàng Thái Tôn
Nhân kỷ niệm 36 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975 – 30/4/2011), tôi vào thành phố Hồ Chí Minh dự buổi gặp mặt truyền thống của CCB E24 Anh hùng. Đây là lần đầu tiên sau 37 năm chia tay Trung đoàn, tôi trở về gặp lại đồng đội cũ của mình. Điều bất ngời đối với tôi là trong buổi họp mặt này, tôi đã gặp lại người chiến sỹ cũ cùng tiểu đội lúc huấn luyện ngoài Bắc. Đó là Diệp. Bây giờ, nghe đâu Diệp là Phó Giám đốc Sở hay Giám đốc một đơn vị trong Sở Tài nguyên và Môi trường ở Hải Dương, là Trưởng Ban Liên lạc CCB E24 tại Hải Dương.
Gặp nhau, chúng tôi mừng lắm, ôm nhau, hỏi thăm nhau về sức khỏe, gia đình, vợ con và công việc. Hồi còn ở đơn vị huấn luyện, Diệp là người nhỏ con, nhanh nhẹn. Nay trông Diệp trắng trẻo hơn, người mập, thấp; tóc đã điểm bạc nhiều nơi. Đang vui vẻ hỏi thăm chuyện gia đình, bỗng nhiên Diệp hỏi tôi:
- Thế lâu nay ông đã về Xạ Sơn nhận con chưa?
Thật tình, lúc đầu nghe Diệp hỏi, tôi không biết Diệp nói gì. Thấy tôi không trả lời, Diệp nhắc lại:
- Về Xạ Sơn ở Kinh Môn, Hải Dương đó! Không nhớ à?
Lúc đó tôi mới nhớ. Bởi chúng tôi xa Xạ Sơn đã gần 40 năm rồi còn gì.
Chuyện thế này.
Ngày ấy, cuối năm 1971, đơn vị tôi đang huấn luyện giai đoạn cuối để chuẩn bị vào chiến trường. Đại đội tôi đóng quân tại xã Quang Trung, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Trung đội tôi ở thôn Xạ Sơn. Lúc đó tôi là tiểu đội trưởng, Diệp là chiến sỹ trong tiểu đội. Ngoài tôi ra, anh em trong tiểu đội là người huyện Nam Sách, cùng quê với Diệp và vừa mới rời ghế nhà trường phổ thông. Đại đa số ở tuổi 17 và 18. Họ còn rất trẻ. Sống với nhau, chúng tôi yêu thương nhau, coi nhau như anh em ruột thịt. Trong thời gian huấn luyện, ban ngày, chúng tôi luyện tập trên thao trường; tối đến sau bữa cơm chiều là sinh hoạt trung đội, đại đội hoặc mang gạch tập hành quân… Quân trang lúc nào cũng gọn gàng, sẵn sàng để khi báo động là có mặt ngay. Ngày Chủ nhật, từng tổ trong trung đội, tiểu đội thay nhau được nghỉ. Chúng tôi thường ra bưu điện huyện để gửi thư về cho gia đình, người thân.
Bộ đội thời đó ở với dân. Tôi ở trong gia đình mẹ Xoan. Mẹ mất chồng từ lúc còn trẻ, nhưng mẹ vẫn ở vậy để nuôi con. Người con trai lớn của mẹ đang chiến đấu ở chiến trường B. Mẹ thương chúng tôi lắm. Chúng tôi cũng quý mẹ như mẹ đẻ của mình. Ở cùng mẹ còn có cô con gái út, chừng 16 hay 17 tuổi gì đó, tên là Mận. Một lần, đi sinh hoạt về, tôi gặp một cô gái lạ đến nhà mẹ chơi với Mận. Thấy tôi về, Mận nói ngay:
- Anh Tôn, đây là chị Lài, chị bà con với của em, người ở làng dưới.
- Chào Lài. Sao ở gần đây mà bây giờ mới sang chơi?
- Em thấy bộ đội ngại lắm.
Tôi mỉn cười nói: Bộ đội chúng tôi hiền lắm, có gì đâu mà ngại?
Chúng tôi nói chuyện vui một hồi. Sau đó, tôi đi đôn đốc gác trong tiểu đội và Lài cũng xin phép về kẻo khuya. Từ đó, tôi thấy Lài thường xuyên ghé chơi. Nhìn kỹ, tôi thấy Lài chừng 17 hoặc 18 tuổi gì đó, hơi cao và gầy, có khuôn mặt trái xoan, da trắng và rất dễ thương. Và chúng tôi quen nhau từ đó.
Cuối tháng mười hai năm 1971, anh trai tôi từ trên Bắc Ninh xuống chơi, chia tay trước khi đi chiến trường. Lúc này đơn vị của anh đóng quân trên huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh (sau này, đơn vị anh vào chiến trường chiến đấu cùng E24 ở miền Đông và Khu 8). Tôi giới thiệu anh với mẹ Xoan. Mẹ mừng lắm. Mẹ cho con gà mái to để tiểu đội làm cơm chia tay anh. Trong bữa cơm chia tay, cả tiểu đội cười nói vui vẻ. Cuối bữa ăn, do sơ ý, tôi bị hóc xương gà, cố móc mãi nhưng không ra, tôi đành để vậy. Tối hôm ấy, hai anh em ngủ với nhau. Tôi hỏi thăm anh về bố, mẹ, các em và cháu ở quê. Vì anh mới nghỉ phép ở quê ra. Sáng mai, đưa anh ra đường cái xin xe để anh về đơn vị. Hai anh em chia tay lưu luyến và nghĩ rằng không biết có ngày còn gặp lại hay không.
Ngày hôm đó, tôi thấy cổ họng đau, cơm không nuốt nổi. Tôi đành phải nói thật với mẹ Xoan là bị hóc xương gà chiều qua. Mẹ nói:
- Sao không nói sớm để mẹ đưa đến bà lang băm gần đây chữa cho.
- Con sợ anh buồn, không nói cho anh biết mẹ ạ!
Và thế là mẹ đưa tôi đến ngay nhà bà lang băm đó. Mẹ nói, bà này có mẹo chữa hóc xương gà hay lắm. Tôi đi theo mẹ vào một gian nhà nhỏ ở cuối thôn, đèn dầu le lói. Thấy có mấy người đến chữa bệnh gì đó. Sau khi mẹ nói là tôi bị hóc xương gà, nhờ bà chữa giùm. Bà lang băm hỏi:
- Thế cháu bị mấy ngày rồi?
Tôi vội trả lời: Cháu bị chiều qua.
- Thế thì may, còn chữa được. Chứ sau ba ngày là khó lắm.
Sau đó, bà kêu tôi vào phòng, lấy ra một đọn chuối non có bôi vôi ăn trầu và bảo tôi ăn. Tôi ngoan ngoãn ăn và nuốt hết đọn chuối đó. Bà nói tiếp:
- Nếu ngày mai không hết thì đến tiếp nhé!
Tôi và mẹ cảm ơn rồi ra về. Đến nhà, tôi đã thấy Lài ngồi đó. Lài cười và trêu tôi:
- Ăn tham hay sao mà để cho hóc xương gà thế?
- Ai nói cho Lài biết đó. Lại cái Mận rồi!
Tối đó, do phải đi chữa hóc xương gà nên tôi xin phép trung đội nghỉ sinh hoạt. Lần đầu tiên tôi và Lài ngồi nói chuyện với nhau. Lài hỏi thăm về anh tôi, về gia đình, về quê hương tôi. Khoảng chín giờ tối, nghe tiếng anh em cùng tiểu đội sinh hoạt về cười nói ngoài cổng, Lài vội vã xin phép ra về. Loan, thằng em kết nghĩa trong tiểu đội ở chung nhà thấy vậy nói:
- Sao cô Lài không ở chơi thêm tý nữa. Có gì chốc nữa anh Tôn chị đưa về!
Trong đêm tối, mặt và hai tai tôi đỏ bừng. Tôi xấu hổ giống như người ăn vụng bị bắt được. Và với cái mẹo của bà lang băm, cái xương gà bị hóc đã nuốt trôi lúc nào mà tôi không để ý. Tôi không còn thấy đau ở họng nữa.
Cuối tháng một năm 1972, trời đã cuối đông nhưng vẫn còn rất lạnh. Vừa ở thao trường về, Mận nói ngay:
- Anh Tôn ơi! Ra đây em nói cái này.
Tôi đi ra và bảo: Có gì mà nói. Lại chuyện luyên thuyên hả?
Mận nói nhỏ vào tai tôi: Ngày mai, chị Lài đi lấy chồng anh có biết không?
- Anh không biết, không thấy Lài nói gì cả.
- Chị Lài nhắn tối nay gặp anh ở cây rơm đầu nhà trung đội.
Ở ngoài Bắc, sau mỗi mùa gặt, nông dân thường đánh cây rơm to để dự trữ cho trâu bò ăn và đun bếp thay cho củi. Tôi nói lại với Mận:
- Lấy chồng rồi, có gì đâu mà gặp?
Đêm đó, sau khi sinh hoạt về, tôi suy nghĩ miên man. Ngày mai đi lấy chồng sao Lài lại muốn gặp mình? Giữa mình với Lài đã có gì đâu?...
Tối hôm ấy, trời mùa đông nhiều sao, gió se se lạnh, tôi mặc thêm cái áo ấm rồi đi ra nhận gác từ Loan. Phiên gác của tôi từ 22 giờ đêm đến 23 giờ. Gặp Loan, tôi nói:
- Loan ơi, em nghỉ sớm một tý đi, về nhà nằm kẻo lạnh, để anh gác cho.
- Sao hôm nay anh ra sớm thế? Chưa đến giờ mà!
Nói xong, Loan giao súng AK cho tôi và đi về nhà. Đêm mùa đông, giá lạnh, sương mù bắt đầu phủ xuống, đường nông thôn tối thui, vắng bóng người đi. Tuy đã mặc thêm áo ấm nhưng tôi vẫn lạnh. Nhiệm vụ trực gác của chúng tôi là đi lại trên trục đường chính khu vực trung đội đóng quân. Trong đêm tối, tôi thấy một bóng đen từ từ xuất hiện. Cách tôi khoảng 5 mét, tôi hô to:
- Ai đấy?
- Em đây! Em là Lài đây!
- Khuya rồi sao em đi đâu?
- Em muốn gặp anh. Thế cái Mận không nói với anh à?
Lúc này tôi mới nhớ tới lời Mận nói lúc chiều. Thật ra, khi nghe Mận nói, tôi tưởng Mận nói đùa, trêu tôi. Trong bóng đêm, tôi nhìn kỹ, Lài mặc áo len màu đỏ rất đẹp, đầu bịt khăn kín chỉ đủ hở khuôn mặt trái xoan trắng trẻo và rất dễ thương. Tôi bối rối không biết nói gì, bèn hỏi:
- Sao Lài biết tôi gác giờ này mà đến tìm?
Lài im lặng không nói. Tôi nói tiếp:
- Thế có gì mà cần gặp? Anh đang gác, nếu trung đội thấy thì phê bình chết!
- Em cần gặp anh để nói chuyện này…
Lúc này, cả hai đứng trên đường trong đêm tối. Tôi đang long ngóng không biết như thế nào thì Lài bảo:
- Anh ơi! Ta vào trong cây rơm ngồi kẻo lạnh.
Nói rồi, Lài đi đến cây rơm gần đường. Không hiểu sao, tôi lại nghe lời và ngoan ngoãn đi theo. Lài ngồi xuống tựa lưng vào cây rơm. Còn tôi đang lượng lự không biết nên đứng hay ngồi. Bỗng Lài nói ngay:
- Sao anh không ngồi xuống cho ấm!
- Anh đang gác mà!
Tuy nói vậy, nhưng tôi vẫn dựng khẩu súng AK bên cây rơm và ngồi xuống cùng Lài. Vừa ngồi xuống, tôi hỏi ngay:
- Nghe nói ngày mai em lấy chồng. Thế chồng em ở đâu, làm nghề gì?
- Chồng em người cùng làng, ở xóm dưới. Anh ấy lùn, thấp nên mấy lần tuyển bộ đội không trúng. Nay ở nhà làm mộc.
- Thế thì tốt quá còn gì. Chứ như các anh đi bộ đội nay đây, mai đó. Huấn luyện xong là chiến vào chiến trường ngay.
- Chính vì thế mà bố em bắt lấy anh ấy.
- Thế em không yêu à?
- Không! Em không hề yêu anh ấy. Em lấy anh ấy vì nghe lời bố em. Bố em nóng tính lắm.
Tôi ngồi im không nói. Lài nói tiếp:
- Anh có biết em gặp anh có việc gì không?
- Anh không biết!
Lài ngồi xích lại gần tôi. Trong đêm tối, hương thơm từ tóc của em làm lòng tôi xao xuyến, bâng khuâng. Lài nói tiếp:
- Anh Tôn ơi, từ ngày em quen biết anh, thấy anh hiền lành, em rất thương. Nhớ anh, nhiều tối, em sang chơi, nhưng các anh đi sinh hoạt nên em chỉ ngồi nói chuyện với cái Mận rồi về. Mà có vẻ như anh không thích em phải không?
Tôi im lặng, mắt nhìn xa xăm ra đường, không dám nhìn vào Lài. Biết nói với Lài sao đây. Chả lẽ nói mình không thích. Mà thú thật, từ ngày gặp Lài, mình cũng thấy có cái gì khó hiểu khi gặp em, lúc thì mừng, lúc thì e ngại. Nghe báo tin Lài lấy chồng, mình cũng đã thoáng buồn và hơn ngỡ ngàng. Thấy tôi im lặng, Lài nói tiếp:
- Ngày mai em đi lấy chồng. Em buồn lắm. Thương anh, quý anh, em muốn dành cho anh đêm nay trước khi đi lấy chồng.
Nói xong, Lài quay người choàng hai tay ôm lấy tôi. Tôi giật mình, người run lên bần bật, cố gỡ tay Lài ra và đứng dậy.
- Không! Anh không làm thế được. Em về đi kẻo muộn!
Nói xong, tôi xách súng AK và bước vội về nhà, giống như người bị ai đuổi. Bước đi liêu xiêu, đầu gối hai chân run như người bị sốt rét. Vừa đi, tôi vừa ngoái đầu nhìn lại, thấy Lài đứng dậy và hình như đang khóc…
Tôi gọi Diệp dậy thay ca gác, nhìn đồng hồ đã hơn 23 giờ rồi. Để nguyên quần áo, tôi chui vào ngủ chung chăn với Loan. Tuy đã nằm trong chăn ấm, nhưng người và hai chân vẫn còn run. Thấy vậy, Loan hỏi:
- Sao người anh run thế?
Tôi trả lời cho qua: Trời rét mà. Thôi ngủ đi.
Tôi nằm nhưng đâu có ngủ được. Suy nghĩ miên man. Sao mình lại nhát thế, hèn thế? Không gì cũng cố gắng đưa Lài về, sao để Lài lại một mình?... Đối với tôi, tuy đã mười chín, hai mươi tuổi rồi, nhưng đây là lần đầu tiên trong đời có người con gái ôm và nói về chuyện yêu đương. Ở cái tuổi này mà tôi đã yêu thương ai đâu. Lúc nhỏ, ở quê đi học sơ tán, tôi cũng ở chung nhà, ngủ chung hầm với tụi con gái cùng lớp. Nhưng hồi ấy, tôi không có một tý rung động nào. Còn bây giờ khi con gái mới choàng ôm thôi mà đầu gối, chân tay đã run lên, không đủ can đảm để đáp lại lòng tốt của người ta…
Chiều hôm sau, trên đường ra thao trường, tôi thấy trong làng có đám cưới. Tôi biết, đó là đám cưới của em, đám cưới của người con gái đã đem lòng yêu thương tôi. Lúc mẹ Xoan đi ăn cưới về, gặp tôi, mẹ nói:
- Tôn ơi! Lúc đưa dâu, cái Lài không chịu đi. Mấy đứa con gái vào kéo mãi rồi mới đi. Vừa đi, vừa khóc, thật tội nghiệp.
Tôi nghe mẹ nói và im lặng. Hôm đơn vị được lệnh đi chiến trường, mới sáng sớm tinh mơ, khi chúng tôi hành quân ra khỏi làng, hàng trăm người thân của đồng đội đã có mặt để tiễn đưa chúng tôi ra ga tàu Tiền Trung. Bộ đội đi đến đâu, dòng người tiễn đưa đi đến đó. Và trong đoàn người tiễn đưa đó có em. Lài chạy đến chỗ tôi và cùng đi theo đoàn người. Lài kêu lên:
- Anh Tôn! .
- Em tiễn đưa ai vậy?
- Tiễn đưa anh chứ ai!
Nghe Lài nói, lòng tôi rạo rực và phấn khởi vô cùng. Bởi tôi nghĩ rằng, gia đình, bố mẹ ở xa, sẽ không có ai tiễn đưa mình đâu. Thế mà, hôm nay vẫn có em. Lài nói tiếp:
- Tối qua, em đến chỗ anh để chia tay các anh, nhưng thấy anh bận em không vào.
- Đơn vị có lệnh đi chiến trường, các anh bận kiểm tra lại quân trang và xếp ba lô gọn gàng để sáng mai hành quân sớm.
- Anh đi, em không biết nói gì hơn chỉ biết chúc anh mạnh khỏe, bình an. Khi nào có điều kiện về Xạ Sơn thăm mẹ Xoan và em.
- Em ở lại mạnh khỏe và hạnh phúc nhé.
- Em không có gì, chỉ có cái này tặng anh để làm kỷ niệm.
Rồi Lài đưa cho tôi một chiếc khăn tay màu hồng. Tôi cầm lấy và nói với em rằng:
- Thôi, xa rồi, em về đi kẻo muộn!
Lài nghe lời, dừng lại không đi theo đoàn người tiễn đưa nữa và nói:
- Anh Tôn đi mạnh khỏe và bình an nhé!
Thế là tôi đã xa em thật rồi. Vừa hành quân, tôi vừa quay lại nhìn em lòng trào đầy xao xuyến. Sau này, lúc lên tàu, tôi mở chiếc khăn tay ra, thấy em thêu mấy chữ “em gái hậu phương tặng anh”. Cầm khăn trong tay, tôi thấy lòng mình lâng lâng nỗi nhớ em. Tôi đã giữ mãi chiếc khăn đó trong những tháng ngày gian khổ ở chiến trường cho tới ngày hầm tôi bị trúng pháo ở Cai Lậy, tôi bị thương thì mất.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi trở về miền Bắc đi học tiếp. Nhưng do điều kiện nên chưa có dịp quay lại Xạ Sơn để thăm gia đình mẹ Xoan và em. Cho tới ngày gặp Diệp, nghe Diệp nhắc lại, tôi mới nhớ. Tôi thấy mình thật là vô tâm. Dẫu sao, đây cũng được coi là mối tình đầu của tôi./.
Nha Trang, tháng 11 năm 2011
Tôi và Diệp tại buổi họp mặt truyền thống CCB E24 Anh hùng nhân dịp
kỷ niệm 36 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng tại TP Hồ Chí Minh
- 1 - Viết bởi Nguyễn Kim Xuyên Một thời không thể lãng quên(20/07/2012 10:07:22)
- Tôi là lính trung đoàn 320 . hoạt động bên canh 24 . Xin cảm ơn các anh đã thắp sáng tình đồng đội trong lúc tình ngừời thì ít lưu manh thì nhiều
- 2 - Viết bởi nguyễn xuân Trường nhớ lại trận xa mát thiện ngôn tháng 4,1972(19/12/2011 19:12:41)
- Cuối năm 1971 trung đoàn từ tây nguyên về đống quân ở cây số 10 đường 19 và rút các tổ tăng gia của các đơn vị ở STung Treng về học tập , huấn luyện để chuẩn bị đi chiến trường B2 , chiến trường mới là miền đông nam bộ đầu năm 72 trung đoàn chuyển quân k5 ở lại B3 còn lại tiếp tục hành quân vể rừng tre tỉnh Công Phông Chàm đóng quân và đón tết 72 tại rừng tre và tiếp tục học tập huấn luyện và bổ sung quân thành lập k5 , lúc này đơn vị trinh sát cùng các thủ trưởng đi chuẩn bị chiến trường chuẩn bị cho chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 . Trận đánh đầu tiên xuống B2 đó là căn cứ Xa Mát Thiện Ngôn Cầu cần đăng năm trên lộ 22chay sang Căm Pu Chia do chiến đoàn 49 ngụy có các hàng rào , tường hộp kiên cố có trận địa pháo ....trong khi đi điều nghiên biệt khích luôn luôn nống ra ngoài nhưng cán bộ trinh sát vẫn kiên cương bám địch , trân đánh của trung đoàn được các đơn vị phối thuộc đó là các đơn vị pháo 105, h12 , có cả xe tăng đơn vị trinh sát trung đoàn cùng trinh sát các tiểu đoàn luôn bám sát trận địa , hai bên đường địch phát quang pháo sáng bắn suốt đêm , pháo địch luôn bắn ra ngoài nhưng các mũi vẫn được trinh sát đưa vào chiếm lĩnh trận địa được đảm bảo bí mặt bất ngờ ,trận đánh diễn ra ác liệt phi pháo các nơi địch bắn về trận địa máy bay ném bom , trong trận đánh này trường được đi cùng với đại đội trưởng Phức sau ba ngày đêm chiến đấu trung đoàn đã đánh tan rã chiến đoàn 49 làm chủ trận địa bắt sống 58 xe tăng và xe quân sự , và nhiều tù binh địch Chính ủy Phu Đã lái chiếc xe tăng của địch đây là trận đánh đầu tiên của trung đoàn xuống chiến trường B2 . Đến tháng 4 năm 2012 trận đánh xa mát thiện ngôn đã tròn 40 năm Trường muốn ôn lại để các đông đội E24 nhớ lại để có điều kiện về thăm lại chiến trường xua nơi các liệt sỹ của trung đoàn còn nằm tại nơi đây không biết đã được quy tập về nghĩa trang xa mát chưa , vừa qua bác Ninh nguyên chủ nhiệm trinh sát có vào thăm chiến trường tây nguyên ,xa mát thiện ngôn .Trường kính chúc các đồng đội ở các nơi mạnh khỏe hạnh phúc và viết thềm về trận đánh xa mát thiện ngôn cho sinh động
- 3 - Viết bởi Bùi Ngọc Là (11/12/2011 19:12:27)
- Gửi Tôn: " ... Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống , nhớ cà dầm tương. Anh đi lòng có vấn vương. Nhớ cô thôn nữ bên đường đợi ai. Chiến tranh ngày một kéo dài. Anh đi biết có ngày mai trở về ..." . Sau 40 năm nhất định anh sẽ về để tìm lại người xưa ...
- 4 - Viết bởi bui quang tho gui thu(09/12/2011 14:12:38)
- chuc vui ve
- 5 - Viết bởi Nguyễn Văn Quân cảm nhận về chuyện bây giờ mới kể của bác Tôn(07/12/2011 20:12:46)
- Xem ra bác Tôn cũng không máu lắm và cái giây phút ngây ngô như " Quạ vào chuồng lợn" của bác qua đi bác có thấy tiếc không, thưa bác ? Nếu là em thì em chả tội gì mà dại như bác,chả tội gì mà không "xơi",bác đúng là con mèo nhút nhát,mỡ dâng tận mồm mà chê,em lấy làm tiếc cho bác quá bác Tôn ơi. Nếu là em thì cái đống rơm ấy cháy ngất trời rồi,miếng mồi ngon chưa bỏ váo môi đã trôi xuống tận "dạ dầy" rồi, uổng quá,làm gì có được cơ hội tốt hơn nữa,thưa bác ? Em hỏi tò mò một tý nhé,trạng thái "súng ống" của bác lúc ấy như thế nào ạ? chắc "súng" của bác chưa phá niêm cất,chạy rà trơn nên chưa biết "bắn" có ra trò không,còn "đạn" thì chắc chắn là đầy kho rồi,thế mà bác không chơi,có điều kiện mà bác không thử nghiệm bắn thử xem "súng"có zin không? Đấy,bác xem,nàng cực kỳ thất vọng về bác mà bác thì sau khi tim đập chân run qua đi thì bác cũng thấy tiêng tiếc phải không ạ ? Em tán dóc vậy thôi chứ lúc ấy bác làm sao mà dám "bắn" nhưng nều bác "bắn" thì em nghĩ cũng hợp lẽ âm dương,thuận tình vừa ý nện cũng hợp lý đời,lẽ đạo,thông tiền khoáng hậu vì Nàng hoàn toàn tự nguyện dâng hiến hương hoa tuổi 19 của nàng mà tạo hóa ban tặng nàng và nàng dành cho bác thì em nghĩ là ý chí và tình cảm tìm được tiếng nói chung và lần đầu tiên được "sướng" bác nhỉ ? đằng này lúc ấy bác đã dùng ý chí để kiềm chế tình cảm,bóp chết tình cảm mà tính cảm thì không muốn bị ý chí chi phối và kiểm soát,tình cảm muốn được độc lập với ý chí,tình cảm muốn có kênh phát sóng riêng để phủ sóng cho cuộc đời mãi mãi xanh tươi cho đến khi hai chân đứng không vững nhưng vẫn máu và như vậy tình cảm đã làm tròn thiên chức của mình mà tạo hóa ban cho. Cháy! Cháy! cháy hết mình,vậy mà cái khoảnh khắc ngàn vàng ấy tình bác lại tắt lịm trong khát vọng cháy rực trời của nàng,bác có biết đâu là con tim nàng tứa máu,tâm hồn nàng nát tan sau khi bác chạy trốn nàng không ? Em lại tò mò một tý nữa được không bác,nếu bây giờ cơ hội lặp lại và ông trời lại một lần nữa trao đặc ân vào tay bác thì bác có khôn hơn hay bác vẫn dại khờ như năm xưa ạ ? nếu có nữa thì xin bác đừng như "quạ vào chuồng lợn" nữa bác ạ,vì quạ vào chuồng lợn là vào nhầm địa chỉ nên chả làm ăn được gì cả mà quạ phải vào chuồng gà thì mới làm ăn được bác ạ,nhất là quạ già mà vớ được gà mới bóc trứng thì thôi rồi lượm ơi bác Tôn nhỉ. tếu táo với bác cho vui bác ạ, chứ dù trong môi trường nào,điều kiện khách quan có thuận lợi đến mấy thì anh em mình cũng không dám vung tay quá trán,phải không thưa bác Em xin kính chúc bác và gia đình sức khỏe,an lành,thành công,hạnh phúc ! chúc bác mãi tráng kiện và phong độ, bác còn hăng tiết vịt ra phết đấy KÍNH CỤ Ạ !