-
Hai bài thơ của NGUYỄN TRỌNG HÙNG
(02/11/2011 22:11:01)
-
..."khi lắng lại, ta
không thể không nghĩ về cội nguồn, về cha, về mẹ, về nơi lưu giữ tuổi
trẻ của ta, về đồng đội, đồng chí... Sẽ hạnh phúc biết bao nếu nói
đồng cảm với ai đó. Ôi ngày xa xưa ơi!..."
Bài thứ nhất:
Ngọn gió
Nguyễn Trọng Hùng
Cha tôi làm ngọn gió cô đơn
Giữa một trời giông bão
Bình minh rất xa và trăng lạnh tỏ mờ
Ngọn gió nhỏ không bao giờ tới được.
Lầm lũi bóng chiều còng lưng bà nội
Tất tả trưa hè bất chợt mưa
Vai mẹ gầy chẻ đôi sợi gió
Bện lại cuộc đời cho đỡ cô đơn...
Tôi lớn lên trong dị nghị dỗi hờn
Đói khổ chưa phải điều đau đớn nhất!
Tôi đã sống bằng lửa từ hai đôi mắt
Làm ngọn gió lành mong bà, mong mẹ vui...
Bão đã nổi, cha vẫn ở đâu xa lắm
Chiến thắng về còn lận đận gian nan
Đến lúc biết cha không cô đơn
Thì bóng chiều chẳng còn lầm lũi
Thì trưa hè cũng vắng người buồn tủi.
Chỉ còn sợi gió mang mang
Chỉ còn bờ tre đưa gió về làng...
Ơi ngọn gió!
Ơi ngọn gió!...
4-2010
NTH
Bài thứ hai:
Lời dặn
Nguyễn Trọng Hùng
Đấy là lời bà lời mẹ
in dấu chân cò lặn lội bờ sông
giọt nắng giọt mưa đắng lòng
mơ miếng ăn ấm dạ
ước tấm áo ấm thân
làm người khát
tìm nguồn không mỏi.
mong con lớn
thân cò cất cánh
men theo dòng đời
tập tẹ gieo thơ
nhọc nhằn vãi hạt
tìm mùa màng trong dân ca.
lúc bổng trầm lúc xót xa
bưng bát ăn hãy nhớ
hạt dẻo thơm nước mắt cấy cày
lơi chơi câu hát mây bay
trâu đừng theo Cuội ngủ ngày chơi đêm!
ơi mẹ!
một đời tất tả
sinh ra hạt gạo lời thơ
sinh con
hết mong vuông lại mong tròn
dặn con:
đói sạch rách thơm
không yếu hèn
không quên bè quên bạn
không quên
con là con của mẹ nghèo
nhặt câu hát sót trong chiều bão giông
quản gì “lặn lội bờ sông”.
9-2011
- 1 - Viết bởi Nguyễn Văn Quân Cảm nhận về hai bài thơ Ngọn gió và Lời dặn của anh Nguyễn Trọng Hùng(03/11/2011 19:11:32)
- Thưa anh: Em đọc hai bài thơ của anh nói về tình cha nghĩa mẹ của anh mà lòng quặn thắt nửa như mơ hồ,nửa như thực tại anh ạ. Non cao biển rộng như không thể bất biến cũng như nghĩa mẹ tình cha không thể mai một xói mòn,nhưng non cao biển rộng cũng có thể thay hình đổi dạng,tức là không phải là bất biến,còn tình cha nghĩa mẹ từ cổ đến kim,từ Đông sang Tây thì ngàn đời nay vẫn vậy. Mộc mạc,giản dị,đơn sơ như vốn dĩ mà tạo hóa đã an bài,tức là không thể biến mất,vẫn hiện diện trên cõi đời này như nước,như nắng,như gió và như tất cả những gì thuộc về nguồn sống vì nó là cuộc sống,là cuộc đời. Điều đáng bàn và nên bàn ở đây là con cái hiểu và làm như thế nào để không biến tình cha,nghĩa mẹ thành nước ao bèo. Thơ anh khái quát mà cụ thể,xa nhưng lại gần,cha mẹ như thân cò thân vạc lọ mọ đồng xa chắt chiu từng con tôm con tép bú mớm mong con lớn khôn sống làm người chứ không phải là thú. Còn là con,là con thì cứ lon ton theo cha,theo mẹ anh nhỉ.