-
TẮC KÈ... (Truyện ngắn - Nguyễn Mạnh Bình)
(15/09/2011 05:09:13)
-
Nó lại xuất hiện rồi đấy! Chắc nó nằm trên ngọn cây dừa phía sau vườn. Vẫn kiên trì, nó gõ nhịp vào bóng đêm bằng chính tiếng xưng tên “Tắc kè” của nó.
Giật mình nhìn lại: Chiếc kim dài đang trườn qua chiếc kim ngắn tại vạch số XII trên mặt đồng hồ với hai màu đen trắng . Một ngày mới lại tới rồi! Tiếng tắc kè cứ gióng lên như lời người nhắc nhở “Trễ rồi!... Trễ rồi!”!
"TẮC KÈ!.."
( Viết tặng Hồ Tĩnh Tâm và đồng đội tôi nỗi nhớ tiếng Tắc Kè )
- Tắc kè!...Tắc kè!…
Nó lại xuất hiện rồi đấy! Tiếng nó dồn cục, đẩy vào bóng đêm những âm thanh gân guốc và hoang dã. Theo kinh nghiệm của người miền ngược, cứ đếm số tiếng kêu, ta có thể biết tuổi của chúng. Mỗi lần theo chu kỳ, cứ khoảng một tiếng đồng hồ, nó nấc lên để tự gọi tên mình: “Tắc kè!”…
Con tắc kè này chắc khoảng chừng bảy tuổi.
***
- Tắc kè! Tắc kè…
Thoạt đầu, tiếng cùa nó đĩnh đạc điểm vào bóng đêm cứ như tiếng tiếng AK điểm xạ hai phát một của lính thiện chiến vậy. Nhưng đến đoạn cố sức ở cuối mỗi chu kỳ, tiếng nó nhão ra mệt mỏi: “Tắc…k…è…” rồi tắt ngấm.
Tôi giật mình! Hình như nó đang làm thơ đấy, thơ kiểu tắc kè: “Trắc…bằng-Trắc… bằng…”
Ừ! Chắc là nó nhạo mình: “Tắc…rồi!… Tắc... rồi!...”
Tắc thật! Tôi dán mắt vào màn hình: Vẫn chẳng ra hình thù gì! Bài thơ mộng mị rối bời mà từ tối tới giờ tôi gõ rồi lại xoá, nhưng nó vẫn cứ rời rạc và mệt bã người như đoạn cuối của đoản khúc Tắc kè vậy.
Hay tôi cứ mô phỏng tiếng kêu của hắn: “Trắc… bằng… Trắc… bằng…” có khi lại hay cũng nên!
Mà không phải! Nó đang nhắc: “Trễ rồi…trễ rồi...” đấy chứ!
Đêm khuya lắc. Tôi lại dán mắt vào chiếc đồng hồ . Đó là chiếc đồng hồ của hãng thời trang ”GUCCI” danh tiếng. Nó cứ sáng rực lên bởi sự tương phản của hai màu đen trắng. Đồng hồ chỉ có hai kim và chỉ với bốn điểm định vị giờ chia đều trên mặt. Thế nhưng nhìn nó, tôi vẫn xác định được chính xác từng giây phút quý giá đang trôi qua.
Ừ! Thời gian của người lúc nào cũng tất bật đến hối hả, vội vàng; còn tôi thì lại cứ dềnh dang chậm chạp đến bực mình...
- Tắc kè…Tắc kè!...
Đúng là Nó đang gõ nhịp thời gian dùm tôi thật: “Mất… còn… Mất… còn…”.
Hai màu đen trắng: Ngày và Đêm. Trên mặt chiếc GUCCI, hai kim đang quay tít như trên màn hiện sóng ra-đa, một tiếng đồng hồ mới chồng lên nhau một lần rồi lại hối hả quay…
***
-Tắc kè! Tắc kè…
Tô i bỗng nhớ hồi năm 71, đóng quân ở vùng núi Mai Sưu, Lục Nam Hà Bắc. Đó là nơi mà cánh lính chúng tôi gọi là “Thủ đô Tắc Kè”. Lính mới xa nhà, lên thấy rừng núi hoang vu đã buồn. Nhưng đêm đến phiên trực gác thì mới thấy hết được nỗi buồn não ruột. Trong đêm khuya, tiếng tắc kè cứ âm u vọng về từ tất cả mọi vách đá và cây cối đại ngàn trùng trùng vây bủa. Có khối cậu lính mới không chịu nổi, đã “vù té” về nhà thăm u, mấy ngày sau lại lóp ngóp bò lên, cầm sẵn bản kiểm điểm rồi lủi thủi vào rừng chặt củi; mỗi ngày trốn trai, bị phạt chặt một bó củi 30kg.
Ừ, mà sao ngày ấy nhiều tắc kè đến thế! Lạ một điều là hình như chúng có phân công nhau, hoặc chia phần nhau, dùng tiếng kêu của chúng ngoạm từng miếng thời gian đặc quánh bóng đêm thì phải.
Đầu tiên là đám tắc kè choai choai đua nhau thi giọng. Bên bờ suối: Tắc kè! Phía lán ngoài bìa rừng: "Tắc kè!". Cả vùng núi đá vôi bao vòng nơi doanh trại như vòng lưỡi cưa máy lởm chởm răng ngửa lên bầu trời, đâu cũng rền ran tiếng: "Tắc kè..."
Tiếp sau bản hợp xướng hỗn tạp của bầy đàn là bản song ca của cặp đôi tắc kè. Tiếng con cất lên trước, trong trẻo như đang nũng nịu đòi được yêu; "Khát tình... Khát tình...". Tiếng con cất lên sau nhanh nhảu như là một sự khẳng định: “Chắc rồi… chắc rồi…”! Giọng chúng quyện vào nhau, hay đáo để. Thực ra, chỉ có con đực mới biết kêu, còn con cái thì chỉ… chắc lưỡi, đúng theo tập tính cùa chúng với cái tên khoa học là Gekko Gekko L. Thuộc họ Tắc kè (Gekkonidae), bộ Thằn lằn (Lacertilia) này.
Cuối cùng, con Tắc Kè Hoa- thủ lĩnh của bóng đêm mới điềm tĩnh “nhả đạn”. Nó chẳng bao giờ vội thì phải. Với âm vực trầm, thật trầm, tiếng nó cất lên, cộng âm dội rung vách đá. Cả đám tắc kè choai đều im bặt. Rừng đêm ngơ ngác hỏi: Hắn muốn gì trong những lần “xiết cò “ tống vào bóng đêm cái thứ âm thanh đĩnh đạc mà lạnh lùng đến vậy?
Tôi đã hai lần bắt gặp con Tắc Kè Hoa thủ lĩnh ấy! Ngẫm ra tôi và nó cũng có duyên nợ với nhau lắm.
Lần đầu tiên ở Trại Mạ, Lục Nam, khi trung đội tôi vào rừng chặt nứa về làm lán mới. Hôm ấy mưa rừng như trút ống nước. Đói và lạnh thấu xương! Quẳng quách vác nứa ở bìa rừng, tôi lần vào trong hang đá trú mưa. Vừa lọt vào màn tối của hang đá vôi tanh tanh ấy, tôi cảm thấy chợn chợn và nắm vội chuôi dao găm: Hình như đang có kẻ nhìn mình thì phải?... Một dây chớp nhằng từ ngoài lùa vào hang thứ ánh sáng xanh lét. Ngay phía vách hang đối diện, tôi nhận ra hai con mắt màu đồng thau đang nhìn xoáy vào tôi. À! Một con Tắc kè hoa! Cũng trong mấy giây ấy, tôi nhận ra cái câu hỏi từ đôi mắt thôi miên lồi trên chiếc đầu bẹp tam giác của nó:
- Đây là lãnh địa của tôi! Ông muốn gì nào ?…
- Ừ, tôi chỉ trú mưa thôi mà! - tôi mỉm cười thân thiện với nó.
Rồi bóng tối lại ngập hang!
Lần thứ hai thì khác. Đó là lần tôi đi bắt tắc kè.
Được một ông Ké (già bản) bày cách , tôi chuẩn bị một sào nứa dài, đầu sào buộc vào một mớ tóc rối và trong túi đã sẵn một nắm cào cào, tôi lại vào hang đá ấy. Cũng lạ! Đố ai biết tổ tắc kè ở đâu giữa mênh mông rừng núi ấy mà bắt? Thế nhưng người ta nói: Con ếch chết vì cái miệng. Tắc kè cũng vậy! Vào mùa thu, chúng kêu nhiều nên chẳng mấy khó khăn khi dọ tìm ra hang ổ của chúng. Khi đã tìm được ổ của chúng rồi, chỉ việc dụ bắt được con đầu, còn các con sau sẽ tiếp nối ló đầu ra mà chịu chung số phận. Lần lượt, cả đám tắc kè choai choai cỡ chuôi liềm đã không kềm nỗi cái thú đớp cào cào. Răng chúng dính nhằng vào búi tóc để rồi bị thộp gáy bỏ vào dọ.
Nhưng con Tắc Kè Hoa mà tôi đã từng gặp ấy vẫn không ló dạng. Hay là nó đã sang khu rừng khác? Định bỏ đi thì đầu sào của tôi bỗng giật mạnh: Hắn đây rồi! Trước mắt tôi, con Tắc Kè Hoa ấy đang dùng bốn chân với những cái móng sắc, cố giãy dụa trong mớ bùng nhùng tóc rối. Tôi vội thu sào lại, nhưng Nó cũng không vừa, gồng mình móc chặt những cái móng dính nhựa của nó vào vách đá để toan thụt lại vào hang. Không khéo thì xổng mất! Tôi nhoài tới chộp vội trong sự cuống cuồng quẫy đạp của nó. Và Nó đã thoát! Trong tay tôi chỉ còn mẩu đuôi của nó ngo ngoe như trêu tức: Tạm biệt nhé, hẹn gặp lại!...
*****
Vượt dải Trường Sơn, những tháng mưa mốc ba-lô, những ngày rừng Lào voi hú, đoàn lính trẻ chúng tôi cứ thắc thỏm trông: Bao giờ thì tới nơi tập kết? Vẫn là tiếng Nó vọng từ trùng trùng núi đá: "Sắp rồi!... Sắp rồi!...". Vào tới Tây Nguyên, những tháng ngày đói quay đói quắt, thèm ngốn no một bữa rau xanh thì chính Nó lại cất lên cái điệp khúc nhạt phèo: "Sắp rồi!... Sắp rồi!...". Điên tiết, tôi xả cả băng AK vào cái khoảng đêm mịt mùng mà Nó ngự trị.
Rồi khi về thành phố, tôi cứ ám ảnh lạ lùng tiếng Nó. Trong những đêm khắc khoải nhớ rừng, tiếng Nó như là tiếng con ma xó đếm vía người: “Cắc… đùng!...Cắc… đùng!...”. Bao nhiêu đồng đội tôi đã gục ngã? Nhiều lắm!..
*****
Nó lại xuất hiện rồi đấy! Thời gian đã hơn ba mươi năm, vẫn chỉ là Nó đấy ư? Chắc Nó nằm trên ngọn cây dừa phía sau vườn. Vẫn kiên trì, Nó gõ nhịp vào bóng đêm bằng chính tiếng xưng tên “Tắc kè” của nó.
Giật mình nhìn lại: Chiếc kim dài đang trườn qua chiếc kim ngắn tại vạch số XII trên mặt đồng hồ với hai màu đen trắng . Một ngày mới lại tới rồi! Tiếng tắc kè cứ gióng lên như lời người nhắc nhở “Trễ rồi!... Trễ rồi!”!
Ừ! Trễ thật. Tôi vẫn còn loay hoay với những ký ức chập chờn của bài thơ mà tôi muốn viết tặng người đời. Bài thơ như chùm tóc rối bời khi xưa con tắc kè vướng phải.
- Tắc kè!...Tắc kè!…
Ngày cuối cùng của Tháng 6
Mạnh Bình
- 1 - Viết bởi Bùi Xuân Bính Tiếng Tắc Kè(15/09/2011 11:09:35)
- Những người lính sau chiến tranh gần 40 năm, đọc bài viết của Thầy Mạnh Bình càng thấm hiểu hơn cái quý giá của cuộc sống hôm nay và nhớ lại những gì đã trải qua trong chiến tranh ác liệt. Tiếng Tắc Kè : "Cắc ....đùng..."," Trắc ....bằng..." "Tắc...rồi..."," Trễ....rồi..." " Mất....còn...." " Chắc....rồi..." và đặc biệt tiếng "Cắc....đùng...." có lẽ đã gợi nhớ lại tất cả những đồng đội đã nằm lại hàng dọc hàng ngang trên các bờ kênh rạch Nam Bộ mà Thầy Mạnh Bình cũng như chúng tôi những người đang sống đã chứng kiến và trải qua.