-
LUÔN NHỚ VỀ ANH
(17/08/2011 17:08:49)
-
Nhân dịp trang web của Trung đoàn mở chuyên mục “Đồng đội ơi”, tôi viết tâm sự của mình về một người Anh, người đồng đội, người chỉ huy trực tiếp của tôi trong thời gian từ 1972 đến 1973. Đó là Anh Nguyễn Hồng Hào- Nguyên Trung đội trưởng Trung đội Hỏa lực K5, sau này khi hy sinh Anh là Chính trị viên Phó K5. (Hoàng Thái Tôn)
LUÔN NHỚ VỀ ANH
Cuối tháng 6/1972, sau 4 tháng hành quân không nghỉ, vượt Trường Sơn đông, Trường Sơn tây và qua đất bạn Cămpuchia để vào Nam chiến đấu, Đoàn 2063 - Hải Hưng (nay là Hải Dương) được bổ sung vào Trung đoàn chủ lực của Miền- Đó là Trung đoàn 24 Anh hùng.
Những ngày này, Trung đoàn vừa trải qua chiến dịch “Nguyễn Huệ” với những chiến thắng ròn rã ở Bình Long, Phước Long, Tây Ninh; ở Xa Mát, Thiện Ngôn…và đang dừng chân ở Ba Thu (vùng biên giới Campuchia với Việt Nam) để chuẩn bị hành quân xuống Đồng bằng sông Cửu Long (Khu 8 bấy giờ). Đây là giai đoạn “chỉnh quân” của Trung đoàn.
Tôi được bổ sung vào Trung đội hỏa lực của Tiểu đoàn 5 (K5). Khi cán bộ quân lực Tiểu đoàn đọc tên tôi về đơn vị mới, tôi thấy một người dáng thấp và đậm, vai mang túi mìn clâymo màu đã bạc, nhận chúng tôi và đưa chúng tôi về đơn vị. Dọc đường, Anh hỏi thăm từng người, hỏi quê quán và tình hình gia đình ngoài Bắc… Về đến nơi đóng quân (trên nhà sàn của dân Cămpuchia), tôi hỏi thăm mấy anh lính cũ mới biết Anh là Trung đội trưởng. Tên Anh là Nguyễn Hồng Hào.
Về đến Trung đội, tôi được phân công về Tiểu đội Cối 82ly (Trung đội chỉ có 1 khẩu cối 82 và 1 khẩu đại liên) và đảm nhận vị trí Số 1 trong Tiểu đội. Sau một tuần huấn luyện, làm quen với vũ khi mới, được sự giúp đỡ của đồng đội cũ (trong đó có sự giúp đỡ tận tình của Anh và Tiểu đội trưởng Lê Đình Lý (quê Hoằng hóa, Thanh Hóa), tôi tiếp thu rất nhanh nhiệm vụ của mình; đồng thời thao tác thành thạo các động tác tháo, lắp, bắt mục tiêu và bắn…
Một buổi tối, sau khi sinh hoạt Trung đội, Anh gọi tôi lên và nói chuyện. Anh không ngờ trong đợt lính mới lần này lại có người Nghệ An. Anh quê ở xã Đại Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Quê Anh cách quê tôi chưa tới 50 km; quê Anh nghèo lắm; gia đình làm ruộng, đầu tắt, mặt tối; một nắng hai sương mà không đủ ăn.
Anh sinh năm 1946 và nhập ngũ năm 1965 (vừa tròn 19 tuổi). Gần bảy năm tham gia chiến đấu ở các chiến trường B3 (Tây Nguyên), Nam Lào, miền Đông Nam bộ và sắp tới là Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vào bộ đội đã lâu, nhưng Anh vẫn còn mang nặng dáng dấp của người nông dân. Vừa nói chuyện, Anh vừa cười, rất hiền lành và gần gụi với lính, nhất là tụi lính mới như chúng tôi.
Đối với lính mới, chiến trường là một cái gì đó còn trìu tượng. Tuy trong thời gian hành quân vượt Trường Sơn, chúng tôi cũng đã bị máy bay địch ném bom, cũng bị bắn rốc két, pháo, nhưng chưa có ai thương vong ngoài sốt sét phải nằm lại. Do vậy, chúng tôi vẫn còn “háo hức” chờ ngày ra trận…
Sau thời gian “chỉnh quân”, đơn vị được lệnh hành quân xuống Mỹ Tho. Đêm đầu hành quân trong đội hình chiến đấu, tôi thấy ai mang vác cũng nặng. Riêng tôi, ngoài ba lô con góc đã xẹp lép (trên đường vượt Trường Sơn đã bỏ đi những thứ không cần thiết), gạo, trên vai vác nòng cối 82 nặng gần 20 kg. Trong đem tối hành quân, vượt Đồng Tháp Mười, nước mênh mông, trắng xóa; bộ đội cứ đi suốt đêm không nghỉ. Dọc đường hành quân, Anh xuống gặp tôi và hỏi: Có nặng không em?
Tôi vui vẻ trả lời: Không Anh ạ!
Sáng hôm sau, Tiểu đoàn (K5) trú quân trong một rừng tràm trên Đồng Tháp Mười. Nhìn qua cánh rừng, nước mênh mong trắng xóa. Vừa đào xong công sự dã chiến, thì đã nghe tiếng trực thăng của địch bay trên đầu. Chúng quần thảo xem có quân ta ở đâu để ném bom, bắn pháo, bắn rốc két. Sau mấy vòng lượn, chúng không phát hiện được gì, vội bắn vu vơ mấy loạt pháo và chuồn về căn cứ. Và cứ thế, hết đêm này sang đêm khác, sau khi vượt qua rất nhiều đồn bốt của địch, qua hết Đồng Tháp Mười mênh mông ngập nước, đơn vị chúng tôi về tập kết bên kênh Nguyễn Văn Tiếp, giáp ranh giữa Kiến Tường với Mỹ Tho (nay là tỉnh Đồng Tháp với Tiền Giang).
Những ngày này, do đơn vị mới xuống nên hậu cần Quân khu chưa cấp gạo cho bộ đội được. Gạo mang từ Cămpuchia xuống đã hết, anh em trong Trung đội phải đi tìm những cây rau dương xỉ mọc dọc hai bờ kênh để nấu cháo ăn thay cơm. Anh gặp tôi hỏi: Dọc đường hành quân từ Bắc vào có khi nào Tôn nhịn đói do không có gạo chưa?
Tôi trả lời: Chưa Anh ạ!
Anh lại nói tiếp, hồi ở B3, các anh bị đói thường xuyên. Cố gắng lên em nhé. Đây là vùng lúa gạo mà!
Nghe Anh nói, tôi vô cùng cảm động. Bởi Anh cũng đói như tôi, cũng phải ăn cháo như anh em cả. Nhưng Anh rất tin tưởng vào ngày mai, vào chiến thắng của cách mạng, của nhân dân ta.
Sau vài ngày ém quân ở kênh Nguyễn Văn Tiếp, đơn vị bắt đầu được lệnh đánh vào các đồn bốt dọc kênh Nguyễn Văn Tiếp, từ Cái Bè đến Cai Lậy Bắc, Châu Thành Bắc tỉnh Mỹ Tho. Và cứ thế, gần như không có thời gian nghỉ ngơi; đêm hành quân đánh bót, ngày ém quân dọc các bờ kênh hoặch tham gia chống càn với các đơn vị bạn. Chúng tôi và Anh đã đi qua không biết bao nhiêu bờ kênh, không biết bao nhiêu cầu khỉ, đánh bao nhiêu trận. Và tôi đã hiểu thế nào là chiến trận, là hy sinh và mất mát...
Ngày 23 tháng 9 năm 1972, trong một trận chống càn ở xã Tân Hội, huyện Cai Lậy Lậy Bắc, hầm của tôi trúng ngay một quả pháo của địch; đồng đội cùng hầm (Anh Đặng Văn Huy) hy sinh; còn tôi bị thương nặng do sức ép của pháo và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh xá tiền phương của tỉnh đội Mỹ Tho. Sau mấy ngày hồi tỉnh, do thương binh quá nhiều, tôi được đưa bị điều trị tại Dân y huyện Cai Lậy Bắc.
Cuối tháng 10 năm 1972, thương tật của tôi tạm ổn định, tuy vẫn còn ù tai, máu và mủ hai tai vẫn còn chảy, nhưng khi được nghe cán bộ Dân y huyện thông báo, đơn vị sắp hành quân đi xa, anh có về đơn vị thì chúng tôi đưa về.
Tôi mừng quá, trả lời: Cho tôi về đơn vị với!
Lúc này, đơn vị đang đóng quân ở Ấp Bắc, Châu Thành Bắc, Mỹ Tho. Tôi xếp gọn bồng (thay cho ba lô con cóc, vì ở chiến trường này, ba lô thường bị ướt), theo giao liên trở về đơn vị.
Về đơn vị, Anh là người tôi gặp đầu tiên. Anh mừng lắm và hỏi: Tôn đấy à? Khỏe chưa mà về đơn vị?
Tôi trả lời: Em ổn định rồi. Nghe thông báo đơn vị chuẩn bị đi xa, em xin về đơn vị để được đi cùng các anh.
Không chỉ riêng Anh mà toàn Tiểu đội, ai cũng phấn khởi khi tôi trở về. Và từ đó, tôi theo đơn vị hành quân vượt lộ Bốn (nay là quốc lộ 1) qua Chợ Gạo và xuống Gò Công. Những ngày tháng ém quân ở Gò Công là thời gian ác liệt nhất của chúng tôi. Sau những lần đi lấy gạo, lấy thực phẩm thì đơn vị lại có người bị thương, hy sinh do bọn địch phục kích, đánh mìn clâymo…
Cho đến buổi chiều ngày 27 tháng 01 năm 1973, từ Tiểu đoàn bộ về, Anh thông báo: Hiệp định Pari về Việt Nam đã được ký kết rồi. Ngày mai, đúng giờ G là Hiệp lực có hiệu lực. Theo Hiệp định, bên nào ở đâu, đứng nguyên ở đó.
Là lính, hồi đó chúng tôi chưa hiểu nhiều về Hiệp định, chỉ nghĩ ngày mai là hòa bình rồi. Mừng lắm. Đêm đó, chúng tôi xếp gọn bồng và vũ khí, cùng Tiểu đoàn tiếp cận các ấp chiến lược; lấy cờ của địch xuống, cắm cờ Giải phóng lên. Gần sáng, toàn bộ cờ Giải phóng do đơn vị mang theo đã cắm hết. Cả một vùng, cờ Giải phóng phất phới tung bay. Chúng tôi rất phấn khởi, chờ đợi giờ G đến; ngay cả việc đào công sự chiến đấu cũng quên (không đào).
Nhưng không như mong đợi. Đến 8 giờ, chúng tôi thấy lính bảo an và dân vệ địch xuất hiện ở ngoài ấp. Chúng lăm lăm súng AR15 và M79 tiến vào làng. Bỗng chúng dừng lại. Khoảng 30 phút sau, pháo địch bắt đầu bắn ngoài ấp. Dân trong ấp bắt đầu hoang mang, họ xin chúng tôi chạy ra bốt, ra Chi khu. Nhưng lúc này, theo yêu cầu của chỉ huy, chúng tôi phải giữ dân lại. Vì không có công sự chiến đấu, chúng tôi phải chạy vào nhà dân khi pháo địch bắn. Một quả pháo trúng ngay sân nhà chúng tôi trú, Anh nhanh tay kéo tôi xuống gầm bộ ván gỗ giữa nhà. Mảnh pháo bay vèo vèo, toàn Trung đội không ai bị thương. Nếu Anh không kéo tôi xuống thì chắc gì tôi đã sống đến bây giờ.
Đến hơn 9 giờ, pháo địch vẫn chưa ngớt, dân càng hoang mang và họ bắt đầu chạy ra khỏi nhà, không còn nghe lời chúng tôi ở lại nữa. Lúc này, tụi lính bảo an và dân vệ bắt đầu xông vào làng. Đạn AR15 bay chiu chíu trên đầu; tiếng M79 nổ bùm bụp…Trước tình thế đó, Chỉ huy Tiểu đoàn ra lệnh cho chúng tôi bắn cối vào đội hình địch. Những quả cối 82 bắn trúng vào đội hình địch, bọn chúng hoảng sợ chạy ra ngoài. Và cứ thế, chúng tôi cầm cự cho đến tối.
Sau một ngày chiến đấu không nghỉ, ai cũng đói, chỉ mong trời tối để rút quân ra khỏi ấp. Cũng may, toàn Trung đội không có ai thương vong, Đến 7 giờ tối, chúng tôi được lệnh rút khỏi trận địa.
Sau Hiệp địp Pari, chúng tôi vẫn tiếp tục bám trụ Gò Công; sau đó được lệnh của Trung đoàn rút về vùng 20 tháng Bảy (Mỹ Tho). Tiểu đoàn (K5) được đứng chân ở vùng Xẻo Lá, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy Nam (nay là huyện Cai Lậy). Về đây, đơn vị tiếp tục củng cố, nhận thêm quân và tổ chức đánh các cuộc hành quân lấn chiếm của địch và tiêu diệt những đồn bốt thường xuyên nống ra đánh phá chúng ta. Lúc này, Anh được cấp trên điều động làm Chính trị viên đại đội bộ binh trong Tiểu đoàn.
Một hôm, vào sáng tinh mơ, tôi vừa thức dậy gặp Anh đang mặc quần đùi, lưng mang súng ngắn, vai khoác AK và vẫn cái túi mìn clây mo cũ kỹ ngày ấy đi về phía Tiểu đoàn bộ. Anh nói rằng, tối qua, đại đội Anh mới đánh bốt ở Tam Bình. Anh em có thương vong, nhưng ít. Anh về Tiểu đoàn để báo cáo tình hình. Tôi biết Anh vội và chào Anh.
Cuối năm 1973, trong một trận tập kích vào Chi khu Tam Bình, tôi bị thương ở cánh tay phải do mảnh pháo của địch và được đưa về điều trị tại Trạm xá tiền phương của Trung đoàn ở xã Long Tiên. Sau hơn một tháng điều trị, tôi được Trung đoàn đưa ra Bắc. Trước khi đi Bắc, tôi về Tiểu đoàn lấy giấy tờ và tìm gặp Anh. Tôi chúc Anh ở lại mạnh khỏe, may mắn. Anh nói với tôi rằng, khi ra ngoài Bắc, nhớ ghé thăm nhà Anh. Nhà Anh ở xã Đại Thành. Tôi chào Anh và ôm Anh thật chặt.
Những ngày miền Nam gần giải phóng, tôi được điều động về Trường Quân chính Quân khu 8. Từ Đoàn an dưỡng 640, tôi lại tiếp tục hành quân vượt cánh đồng “Chó gáp” Đồng Tháp Mười, xuống Mỹ Tho. Khi chúng tôi tới Cái Bè thì vào đúng trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhận được tin miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong lòng ai cũng sung sướng, phấn khởi. Lúc này Trường Quân chính Quân khu tiếp quản tại thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, Mỹ Tho. Ở đây, tôi gặp các anh cùng đơn vị cũ lên tập huấn, hỏi thăm thì được biết Anh đã hy sinh…
Nhận được tin Anh hy sinh, tôi muốn khóc mà không khóc được; tôi không đủ can đảm để hỏi lại xem Anh hy sinh ở đâu. Và mãi sau này tôi mới biết Anh hy sinh tại Ngã Sáu, Cái Bè, trong trận đánh vang dội của Trung đoàn ngày 11 tháng 3 năm 1975, để chia lửa với chiến trường Tây Nguyên, ngăn chặn sự chi viện của địch từ miền Tây lên Sài Gòn.
Bia mộ LS Nguyễn Hồng Hào tại NTLS Cái Bè, Tiền Giang
(Mạnh Bình photo)
Anh Hào ơi! Vẫn biết rằng chiến tranh là phải hy sinh, mất mát, nhưng sao mà nghiệt ngã thế. Nghe lời Anh dạy, dù là thương binh nhưng em đã làm việc hết mình. Chỉ sau 6 tháng rèn luyện, phấn đấu ở Trường Quân chính, em đã được kết nạp vào Đảng. Hôm kết nạp, đứng dưới cờ Đảng, em đã thề và đã khóc. Em thầm nghĩ rằng sẽ học tập, noi gương Anh và luôn nhớ về Anh, người đồng đội, người Chỉ huy cần mẫn và dũng cảm. Dù chưa có dịp đến thăm mộ Anh, nhưng bài viết này là nén hương của đứa em đồng hương, đồng đội xin được thắp cho Anh và chúc Anh được siêu thoát, thảnh thơi nơi vĩnh hằng. Tổ quốc, đồng đội và em luôn nhớ về Anh. LS Nguyễn Hồng Hào!
Hoàng Thái Tôn
- 1 - Viết bởi Hoàng Yên các anh là những con người đẹp nhất(28/09/2011 20:09:02)
- tuổi càng cao thì thời gian càng ngắn phải không các anh, nếu thế thì tranh thủ mà bầy tỏ những gì mà đã vượt qua, để thế hệ sau biết thêm về mình.Nhìn lại trong một thời gian ngắn, từ khi chuyển đổi của đề tài cho đến nay, các anh có nhiều mẩu chuyện hay quá, đáng để những chiến sĩ CCB E24 phải nhận thức thêm về trách nhiệm của mình, qua các bài được đăng trên trang E24, nhiều người trên đất nước này, nhiều gia đình liệt sĩ đều cảm động về việc làm của các anh, những việc làm mà nhiều cơ quan chức năng, có đủ thẩm quyền và đủ tiền mà không làm nổi, T/M CCB E24 TP Bắc Giang xin chân thành cảm ơn các anh
- 2 - Viết bởi Hoàng Văn Bắc VIẾT THÊM VỀ LIỆT SĨ NGUYỄN HỒNG HÀO(20/08/2011 11:08:12)
- Đối với chúng tôi, những người lính thuộc tiểu đoàn 5,trung đoàn 24 Anh hùng, mãi thương tiếc đối với liệt sĩ Nguyễn Hồng Hào Chính trị viên phó tiểu đoàn. Anh là một cán bộ chính trị có tác phong nhanh nhẹn,lối sống giản dị,luôn gần gũi với anh em chiến sĩ, được anh em trong đơn vị yêu mến kính trọng. Trong trận đánh vào yếu khu Ngã sáu thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Mỵ Tho ngày 11tháng 3năm 1975,Anh đi cùng mũi tấn công của đại đội 8. Khi anh đứng dưới công sư thò đầu lên để quan sát trận địa và nhắc nhở anh em ngụy trang công sự thì bị trúng đạn và hy sinh, lúc ấy khoảng 8h30phút sáng ngày 11 tháng 3 năm 1975.Thi hài của anh được đồng đội mai táng tại Ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Lợi, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho. Sau ngày giải phóng, chính quyền địa phương cải táng đưa anh về nghĩa trang liệt sĩ huyện Cái Bè,tỉnh Tiền Giang. Năm 2010 được sự giúp đỡ của đồng đội và được sự đồng ý của ngành Thương binh xã hội huyện Cái Bè, gia đình đã đưa anh về yên nghỉ tại quê nhà thôn Quảng Đông, xã Đại Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An./.