-
THĂM MỸ HOÀ HƯNG NHỚ BÁC TÔN (Ghi chép của Nguyễn Trọng Hùng)
(05/08/2011 17:08:02)
-
Về miền Tây Nam bộ, ai cũng ao ước dù chỉ một lần thăm Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên (An Giang)! Nơi ấy là quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu. Bác Hồ từng nói: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân...”. Chúng tôi có được may mắn, một tháng trước kỷ niệm 121 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 - 20-8-2009) đến với Mỹ Hoà Hưng. Lòng bồi hồi khó tả, ai cũng tự trách lòng sao đến muộn với cù lao Ông Hổ - niềm tự hào của người dân đất Việt về nơi sinh và lưu giữ bao kỷ niệm tuổi thơ của Bác Tôn…
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một tấm gương cao đẹp về tinh thần hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, vì CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân. Bác Tôn Đức Thắng là chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Tôn đã có một thời gian cùng Bác Hồ, Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng ở Tuyên Quang. Ngày nay, ở xã Trung Yên còn di tích hầm an toàn, nhà ở và làm việc của Bác Tôn sát bên sông Phó Đáy... Điều ấy, làm chúng tôi và tất cả mọi người dân Tuyên Quang càng yêu kính Bác hơn. Bác là một phần máu thịt của Tuyên Quang, của chiến khu cách mạng và Thủ đô Kháng chiến năm xưa.
Mỹ Hòa Hưng - cù lao Ông Hổ là xã ngoại thành TP. Long Xuyên. Cù lao Ông Hổ rộng khoảng 15 km2, dài hơn 9 km, chỗ rộng nhất 3 km với hai cồn: cồn nhỏ là ấp Mỹ Thạnh, cồn lớn có năm ấp: Mỹ Thuận, Mỹ Hiệp, Mỹ An (có nhà của Bác Tôn), Mỹ Khánh và Mỹ Long.
Lúc sang cù lao, chúng tôi đi phà cập bến Trà Ôn, nhưng khi về lại qua bến Ô Môi - nơi ngày thơ ấu, Bác Tôn thường qua đây sang Long Xuyên học. Xung quanh cù lao, tôi thấy làng nhà bè nuôi cá lồng (cá tra, ba sa) nối nhau san sát. Gió sông Hậu phóng túng, sóng sông Hậu dạt dào cùng lời kể trầm ấm, sâu lắng của những đồng nghiệp báo An Giang, báo Sài Gòn Giải Phóng và cả những cô hướng dẫn viên trong Khu di tích lịch sử văn hoá và Khu lưu niệm thời niên thiếu của Bác Tôn.
Đó là huyền thoại đậm màu dã tưởng về cù lao Ông Hổ. Rằng, ngày xưa, hồi đất này còn là một cồn nhỏ, cây cỏ mọc rậm rạp, hoang vu, bãi bồi bi bít lau sậy, ô rô, hổ, báo từ vùng Thất Sơn hùng vĩ thường về kiếm ăn. Nhưng dần dần con người đến đây sinh cơ lập nghiệp ngày một đông nên cồn được phát hoang trống trải, hổ, báo lần lượt lặng lẽ vượt sông về Thất Sơn. Tuy nhiên, năm ba tháng đầu vẫn còn gặp dấu hổ rải rác trên đất cồn. Chắc nhớ đất xưa, rừng cũ nên hổ lặn lội về thăm lại cù lao. Vào một đêm trăng sáng, dân làng chợt thấy một con hổ to ngồi lặng im trên đầu cồn nhìn xuống cù lao. Dân làng hò nhau tay gậy, tay dao cùng đuổi hổ. Lạ thay, hổ không hốt hoảng đánh trả người mà ung dung đập đuôi nhảy tõm xuống nước, bơi qua sông, ngất ngưởng đi về hướng Thất Sơn… Dân làng bàn tán xôn xao: Cọp sao không hại người? Cọp còn nhớ xóm cũ về thăm? Nếu vậy thì không phải cọp mà là thần hổ về viếng đất cồn… Kể từ đó, dân làng dựng lên một ngôi miếu thờ Ông Hổ. Ngôi miếu Ông Hổ hiện vẫn còn trên đất cù lao…
Cù lao xanh và sạch. Đường trải nhựa nhỏ nhưng êm, bon bon xe chạy. Trên đường vào nhà Bác đi giữa miệt vườn, thỉnh thoảng thấy cây cầu ván hay cầu mới bêtông duyên dáng dưới vòm cây, làn nước xanh mát. Sông Hậu đưa nước dẫn cá vào đìa... Bạn kể, tảng sáng, ngoài sông dập dìu xuồng câu, xuồng lưới, mặt sông luôn vui nhộn. Ban đêm mặt nước lốm đốm ánh đèn giăng giăng gợi nhớ câu thơ cũ: “Giang phong ngư hỏa”... vui vui, chớ không buồn bã như điệu vọng cổ u hoài. Cù lao Ông Hổ bốn mùa lúa rập rờn xanh tốt, cây trái trĩu cành...
Người dân An Giang rất tự hào về mảnh đất đã sản sinh ra hạt giống cách mạng chuyển đến nhiều nơi trong vùng châu thổ - nơi cất tiếng khóc chào đời của người lính thợ kiên cường trên Hắc Hải - nơi chôn nhau cắt rốn của người cộng sản mẫu mực, nhà cách mạng lão thành vô cùng kính mến: Bác Tôn Đức Thắng! Nhà Bác Tôn ở ấp Mỹ An, ngôi nhà sàn ba gian, hai chái, lợp ngói âm dương như nhiều ngôi nhà khác ở nông thôn Nam Bộ. Chính tại căn nhà ấm áp này, vào ngày 20-8-1888, Bác Tôn đã chào đời. Người cộng sản kiên cường sinh ra từ một trong những hạt nhân chủ chốt của phong trào đấu tranh cách mạng ở Nam kỳ. Ngày nay, trên cù lao Ông Hổ đã được xây dựng, trùng tu Khu di tích lịch sử văn hoá và Khu lưu niệm thời niên thiếu của Bác Tôn với nhiều hạng mục công trình: Đền tưởng niệm Bác Tôn, Nhà lưu niệm, Công viên, Phòng trưng bày cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng với hơn 100 ảnh kỷ niệm và trên 35 hiện vật: radio, giày dép, quần áo…
Nhà thờ Bác Tôn ở cù lao Ông Hổ
Chúng tôi đã vào thăm nhà Bác, ngôi nhà sàn cổ được cất dựng từ năm 1887, một năm trước khi Bác Tôn chào đời. Sau nhà là khu vườn rộng với nhiều dừa, xoài. Cuối vườn là khu mộ của gia tộc Bác. Tiếp đến, chúng tôi đến thắp hương tại Đền tưởng niệm Bác Tôn. Đền khởi công xây dựng vào ngày 21-5-1997 và hoàn thành vào ngày 20-8-1998. Tượng Bác nổi lên giữa trống đồng Ngọc Lũ và các họa tiết hoa văn hình hoa sen, hoa cúc, hoa mai thanh cao. Rồi chúng tôi qua một khoảng sân rộng như quảng trường, sang thăm Phòng trưng bày cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Tại đây, chúng tôi được hiểu thêm sâu sắc thêm về Bác. Năm 1910, sau mấy năm học nghề bách nghệ, Bác làm công nhân một xưởng máy của thực dân Pháp ở Sài Gòn. Truyền thống quật cường của quê hương, đất nước và cuộc sống giai cấp công nhân đã rèn luyện nhiệt tình yêu nước, yêu dân của Bác.
Năm 1912, Bác tổ chức và lãnh đạo bãi công của học sinh Trường Bách nghệ và công nhân Nhà sửa chữa thuyền Ba Son. Bị thực dân Pháp lùng bắt, Bác phải trốn sang Pháp làm công nhân trong một công ty hàng hải, rồi làm thợ máy trong hải quân Pháp. Bác đã tham gia các cuộc vận động chính trị của giai cấp công nhân trong hàng ngũ lính thủy Pháp.
Năm 1919, trong cuộc chiến tranh can thiệp của bọn đế quốc hòng bóp chết nước Cộng hòa Xô-viết Nga mới ra đời, Bác bị nhà cầm quyền Pháp điều động đến một đơn vị hải quân được lệnh tiến công Sevastopol (căn cứ hải quân Nga) trên bờ Hắc Hải. Bác đã tham gia cuộc binh biến chống cuộc chiến tranh can thiệp và phản cách mạng của bọn đế quốc, góp phần bảo vệ nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Sau đó, Bác ra khỏi hải quân, làm thợ máy cho một hãng xe hơi, gia nhập Tổng Công hội Pháp, tiếp tục hoạt động trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước của kiều bào ta ở Pháp.
Năm 1920, Bác trở về Sài Gòn cùng với các bạn chiến đấu của mình xây dựng những cơ sở công hội bí mật tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin qua các sách báo của Hồ Chủ tịch và các tư liệu từ Pháp gửi về các cơ sở ấy, Bác đã lãnh đạo phong trào bãi công sôi nổi của thủy thủ và công nhân Nam Bộ, tiêu biểu nhất là cuộc bãi công của công nhân Ba Son vào tháng 8-1925.
Năm 1926, Bác tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, một tổ chức tiền thân của Đảng. Năm 1927, Bác được cử vào Ban Chấp hành Kỳ bộ Nam kỳ. Cuối năm 1929, Bác bị bọn thực dân Pháp bắt giam ở khám lớn Sài Gòn, sau đó, Bác bị kết án 20 năm tù khổ sai và đến tháng 6-1930 bị đày ra Côn Đảo.
Mùa thu năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác được chính quyền cách mạng đón về. Bước chân lên đất liền trong lúc thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, Bác bắt tay ngay vào công cuộc chiến đấu mới của đồng bào Nam Bộ và nhân dân cả nước. Và Tuyên Quang, Chiến khu cách mạng giữa lòng Việt Bắc đã được đón Bác. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Tôn đã ở và làm việc ở nhiều nơi trong tỉnh Tuyên Quang, như Làng Sảo, xã Hợp Thành, Sơn Dương (năm 1947); Lũng Tẩu, xã Tân Trào, Sơn Dương (năm 1948 - 1949); Ngòi Khoác, xã Trung Yên, Sơn Dương (năm 1950); làng Hương, thị trấn Vĩnh Lộc; các xã Kiên Đài, Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (cuối năm 1950 đầu năm 1952); thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương (tháng 12-1953); thôn Chi Liền, xã Trung Yên, Sơn Dương (cuối 1952 đến tháng 7-1954).
Nhà sàn Bác Tôn tại Tuyên Quang
Trong thời gian này, ngoài cương vị Chủ tịch Mặt trận Dân tộc thống nhất, quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Bác Tôn Đức Thắng còn được Trung ương Đảng, Chính phủ giao nhiều trọng trách như: Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ, Quyền Trưởng ban Thi đua ái quốc Trung ương, Quyền Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Từ ngày 3 đến ngày 7-3-1951, Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt được tổ chức tại Kim Bình (Chiêm Hóa). Tại Đại hội, Bác được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt. Cũng tại Kim Bình, Đại hội Liên minh nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia được tổ chức. Với cương vị Chủ tịch Mặt trận, Bác Tôn đã tiếp và làm việc với hai đoàn đại biểu Trung Quốc và Liên Xô, trao đổi về công tác mặt trận; chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng của Quốc hội và Mặt trận…
Xe đạp Bác Tôn vẫn đi ở Hà Nội
Bên chiếc máy bay của Bác Tôn ở Mỹ Hoà Hưng
Chúng tôi bồi hồi nhìn ngắm chân dung người học trò cũ của Trường Tiểu học Long Xuyên (Nguyễn Du ngày nay), người tù của thực dân Pháp mang biển áo số 2; nhìn chiếc xe đạp Bác vẫn đi ở Hà Nội cùng những kỷ vật bình dị nhưng thiêng liêng khác của Bác... Trước khi tạm biệt Mỹ Hòa Hưng, chúng tôi đến thăm chiếc chuyên cơ nặng hơn 10 tấn với sức chở hơn 40 người đã từng chở Bác Tôn và các nguyên thủ quốc gia từ Hà Nội vào Sài Gòn dự lễ trọng đại Ngày hội Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; thăm chiếc tàu đưa Bác về thăm quê và ngôi nhà sàn (phiên bản) của Bác ở thôn Chi Liền, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang)… Khu lưu niệm tạo nên một bức tranh hoành tráng, tuyệt mỹ và không kém phần tôn nghiêm cuốn hút chúng tôi. Hôm nay, ghi lại những dòng này, tôi vẫn nhớ như in đôi câu đối của nhà văn Hồ Thanh Điền (Phó Chủ tịch Hội VHNT An Giang) khắc trang trọng trên hai cột lớn ở Phòng trưng bày cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng:
"Tựa lưng Bảy Núi, uống nước Cửu Long, Mỹ Hòa Hưng ngời danh xứ sở
- Khơi lửa Ba Son, kéo cờ Hắc Hải, Tôn Đức Thắng rạng tiếng non sông"./.
NGUYỄN TRỌNG HÙNG