-
CẦN LÀM GÌ ĐỂ TRI ÂN LIỆT SĨ ? (Nguyễn Mạnh Bình)
(19/07/2011 04:07:43)
-
Theo “nhandan.com.vn”:
“Tối 17-7, tại Nhà hát thành phố Hà Nội, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Báo Quân đội Nhân dân, Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Ðài Truyền hình Việt Nam, Công ty cổ phần Phát triển truyền thông Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật 'Tri ân liệt sĩ', nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7…
Theo: nhandan.com.vn
...Nhân dịp này, Hội HTGÐLS Việt Nam trao 20 ngôi nhà tình nghĩa, tặng 20 gia đình liệt sĩ có nhiều khó khăn; trao 45 sổ tiết kiệm, giám định ADN 40 mẫu, hỗ trợ tìm kiếm, quy tập 20 hài cốt liệt sĩ và trao 20 suất học bổng tặng con, em liệt sĩ vượt khó học giỏi... Nhân dịp này, nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hội Hội số tiền hơn 5,5 tỷ đồng…”
_____________________________________
Thiếu tướng Trần Đối viếng LS tại NTLS huyện Chợ Gạo
Tôi đã xem chương trình tuyền hình trực tiếp này từ đầu tới cuối, và tin chắc rằng có hàng triệu người cũng đã xem chương trình này trên màn ảnh nhỏ và không khỏi bùi ngùi xúc động bởi biết bao điều đã và đang diễn ra trong cuộc sống hôm nay…
Trước tiên, chúng ta mừng vì đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” , “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta vẫn nối tiếp và đã được cụ thể hóa bằng sự ra đời của “Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam” (Hội HTGĐLSVN). Những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã rất nỗ lực trong phomg trào đền ơn đáp nghĩa với các gia đình thương binh liệt sĩ… song vẫn còn nhiều điều chưa thực hiện được!
Trước Giải phóng (1975), do hoàn cảnh chiến tranh và công tác bảo mật nên chúng ta chưa công bố cụ thể số liệt sĩ hy sinh và mất tích trên các chiến trường Việt Nam, Lào, campuchia… Cũng bởi vậy, hàng vạn gia đình liệt sĩ tạm chấp nhận với thông tin trên tờ giấy báo tử mà ở đó chỉ ghi rất vắn tắt nội dung “HY SINH TẠI MẶT TRẬN PHÍA NAM, AN TÁNG TẠI KHU VỰC RIÊNG CỦA ĐƠN VỊ”. Niềm hy vọng le lói của họ là sau khi chiến tranh kết thúc, họ sẽ có thông tin đầy đủ hơn và biết bao người mẹ, người cha, người vợ… vẫn sống trong ấp ủ niềm tin sẽ tìm được hài cốt của liệt sĩ, đưa về an táng tại quê nhà!
Song tới nay, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã kết thúc và đi qua gần nửa thế kỷ; những điều gọi là “Hoàn cảnh chiến tranh và bí mật quân sự…” không còn phù hợp nữa, vậy mà vẫn có hàng vạn gia đình liệt sĩ chưa biết đích xác nơi người thân của mình đã ngã xuống và hài cốt của những liệt sĩ ấy đã được quy tập về nơi nào hay còn đang vùi lấp đâu đó nơi bờ kênh, vạt rừng, liếp ruộng?..
Cũng chính vì thiếu thông tin, nên thân nhân các gia đình liệt sĩ bao năm nay đã âm thầm lặn lội tự đi tìm kiếm mộ liệt sĩ ở các nghĩa trang từ Quảng Trị đến tận Cà Mau… và tốn không biết bao nhiêu công sức, thời gian và tiền bạc cũng những giọt nước mắt!
Cũng vì thiếu thông tin và vô vọng trong tìm kiếm nên một giải pháp gần như niềm hy vọng cuối cùng của các gia đình liệt sĩ là tìm đến các TRUNG TÂM NGOẠI CẢM để theo phương pháp TÂM LINH, ngõ hầu tìm kiếm được hài cốt liệt sĩ. Có “cầu” ắt sẽ có "cung”. Chính những điều ấy nên chúng ta dễ hiểu vì sao trong mấy năm gần đây, các “TRUNG TẠM NGOẠI CẢM” đã mọc lên như nấm tại rất nhiều địa phương trong cả nước như các “trung tâm” ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Hà, hà Nội v.v…
Như tôi đã đề cập trong bài viết trước: Chúng tôi không phủ nhận những điều tâm linh mà chúng tôi chưa biết, nên chúng tôi cũng không dám khẳng định là những trung tâm ấy có khả năng “tìm mộ bằng ngoại cảm” với kết quả tốt như thế nào? Chỉ biết rằng, qua thực tế mà chúng tôi chứng kiến thì hầu như phần lớn những LS tìm thấy HÀI CỐT THẬT đều nằm trong nghĩa trang, khu LIỆT SĨ CHƯA BIẾT TÊN (Vô danh). Số còn lại thì “VONG CỦA LIỆT SĨ” nói rằng: Mấy chục năm rồi, xương cốt tan rã hết vào đất rồi, chỉ còn hình dáng đen đen, vàng vàng in hình vào lòng đất mà thôi! Thì gia đình cứ tin tưởng mà bốc “hình hài trong nắm đất”, trịnh trọng mang lên xe đưa về quê mẹ!...
Sự thực đau lòng là đã có biết bao gia đình liệt sĩ tốn hàng chục, thậm chí cả trăm triệu, thuê xe của các TRUNG TÂM NGOẠI CẢM hoặc những người môi giới, từ Bắc vào Nam tìm kiếm để cuối cùng chỉ đưa về nắm đất “vàng vàng, đen đen” mà vong hiện lên nói là hài cốt… Cũng có khá nhiều gia đình liệt sĩ vì quá tin vào ngoại cảm mà đã “bốc nhầm” hài cốt của người khác như thông tin trên các báo chí gần đây đã nêu [XEM TẠI ĐÂY]. Thậm chí, có người mất mạng vì đã tin vào đồng cốt [XEM TẠI ĐÂY]!
Từ những sự thực mang tính thời sự và phổ biến hiện nay, nhất là trong Tháng 7, tháng hành động “TRI ÂN LIỆT SĨ”, những người cựu chiến binh như chúng tôi không thể không nói lên những bức xúc của mình, ngõ hầu để Đảng, Nhà Nước và các cơ quan có thẩm quyền xem xét và khắc phục những bất cập về trong công tác tìm kiếm liệt sĩ, cụ thể như sau:
1. Hãy công khai gởi thông tin bổ sung chính xác về đơn vị, ngày tháng hy sinh, nơi hy sinh của liệt sĩ tới các gia đình của họ. Chúng tôi nghĩ đây là việc làm vô cùng cần thiết và không bao giờ thừa trong công tác tri ân liệt sĩ. Dù phải xin lỗi nhân dân (và nên như thế) về sự chậm trễ này cũng vẫn tốt hơn nhiều so với những dòng tin trên giấy báo tử xưa kia mà cho tới bây giờ, những dòng chữ ấy đã bị coi là lạnh lùng, vô cảm! Hiện nay, phần lớn những thông tin ấy đang nằm thầm nằm tại rất nhiều kho lưu trữ từ trung ương tới địa phương, song gia đình liệt sĩ vẫn mỏi mòn trông đợi mà chưa có được!
2. Khi đã có thông tin chính xác về nơi hy sinh của Liệt sĩ, nhưng vì một lý do nào đó, chưa xác định được tên của liệt sĩ trong số những ngôi mộ chưa biết tên tại các nghĩa trang, hoặc chưa tìm thấy hài cốt… thì hãy cho lập bia chung, ghi danh các liệt sĩ ấy, đặt tại nghĩa trang của địa phương mà liệt sĩ đã hy sinh để gia đình họ có nơi đến viếng thăm và thắp hương tưởng niệm…
3. Nhà nước, Bộ Quốc Phòng, Bộ Lao động & Thương binh Xã Hội nên sớm có giải pháp toàn diện và khoa học trong việc TIẾN HÀNH GIÁM ĐỊNH AND đối với những ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên, lập ra KHO LƯU TRỮ AND chung, phục vụ cho việc tìm kiếm và xác định hài cốt liệt sĩ được chính xác và thuận lợi. Tất nhiên, đây là một việc làm cần phải có một khoản kinh phí rất lớn xong không có nghĩa ta không làm được. Bác Hồ đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu – Khó vạn lần dân liệu cũng xong!”. Nhà nước bỏ kinh phí tiến hành một mẫu lưu trữ, còn mẫu so sánh từ phía thân nhân liệt sĩ thì nếu gia đình liệt sĩ nào có điều kiện sẽ góp kinh phí tự làm; nếu khó khăn về kinh tế thì khi ấy mới nhờ đến Hội HTGĐLS và các nhà hảo tâm và cả xã hội chung tay góp sức. Đó mới chính là phương châm “NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN CÙNG LÀM” trong chủ trương lớn và thiết thực của Nhà nước về công tác đền ơn đáp nghĩa đối với các gia đình liệt sĩ!
4. Trong khi chờ một giải pháp toàn diện và khoa học như trên, đề nghị các cơ quan, các cá nhân có thẩm quyền hãy áp dụng mọi biện pháp nhằm ngăn chặn những việc làm chưa đúng, chưa khoa học trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, như nhờ nhà ngoại cảm xác định liệt sĩ trong các nghĩa trang (ở các ngôi mộ chưa biết tên), sau đó xin gắn mộ bia và bằng nhiều cách, hợp thức hóa thủ tục (dù không giám định AND) để được nhận và di chuyển hài cốt về quê (mà rất có thể là “Hồn Trương Ba - Da hàng thịt” như nhiều trường hợp đã và đang tiến hành tại Nghĩa trang Chợ Gạo, Cái Bè… của tỉnh Tiền Giang và nhiều nghĩa trang khác trong cả nước!
Cuối cùng, tôi xin chúc mừng và cám ơn “Hội HTGĐLS” nhân được xem chương trình giao lưu nghệ thuật trên và được biết thêm những đóng góp to lớn, những tấm lòng vàng của Hội và các tổ chức, cá nhân đã chung tay góp sức trong chương trình hành động “Tri ân Liệt sĩ”. Tôi hy vọng và ước rằng những việc làm thiết thực như vậy cần được nâng lên tầm cao mới chứ không chỉ là việc làm với danh nghĩa tổ chức một Hội.
Bài và ảnh: Mạnh Bình
______________________________________________
Phụ chú 1: Năm trong số những bia mộ đã và đang sắp được gắn lên những ngôi mộ chưa biết tên tại NTLS huyện Chợ Gạo, Tiền Giang
Mạnh Bình, Vi Chí Thịnh và Nguyễn Quang Khải, Cựu chiến binh E.24 tới viếng NTLS huyện Chợ gạo và thấy có một số bia mộ LS bằng đá, đã khắc đầy đủ danh tính, được xếp ở gầm tủ thờ trong nhà Quản Trang, NTLS Chợ Gạo. Tiền Giang. Nghe nói những tấm bia này sẽ được gắn vào những ngôi mộ chưa biết tên trong dịp kỹ niệm Ngày Thương Binh Liệt sĩ, 27/7-2011
(Ảnh do Mạnh Bình chụp tại phòng Quản Trang NTLS huyện Chợ Gạo, hồi 15g ngày 11/7/2011)
Phụ chú 2:
Theo Wikipedia Tiếng Việt, dẫn tư liệu từ “Phạm Ngọc Thạch - Hồ Khang. Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975). Tập VIII. NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội. 2008. trang 436” thì số “có rất nhiều viên chức của Việt Nam trong các cuộc phỏng vấn đã xác nhận con số gần đây từ tài liệu giải mã, và số chiến binh tử trận của miền Bắc và lực lượng Giải phóng Miền Nam vào khoảng 1,1 triệu, bao gồm 300.000 mất tích”…
- 1 - Viết bởi Trần Bá Tuệ Rất tán thành Ý Kiến Đ/C Mạnh Bình(29/07/2012 18:07:15)
- Đúng rồi. Cả nước chờ mong. Ý kiến Đ/C Mạnh Bình là hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của các thân nhân liệt sĩ hay mói đúng hơn là của toàn dân Việt nam ta. Hơn nữa, đề xuất của Đ/C Mạnh Bỉnh là hoàn toàn khả thi. Do vậy đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xem xét, nghiên cứu để sớm cải tiến và đẩy mạnh việc tìm kiếm mộ liệt sĩ- một công việc thiết thực nhất và quan trọng nhất trong nghĩa vụ đền ơn đáp nghĩa.
- 2 - Viết bởi Lê Đức Hoài nhờ giúp đỡ(21/07/2011 07:07:54)
- Cháu chào chú Bình, trong công việc tìm kiếm lại đồng đội cũ của chú cháu ở E24-F304 cháu biết được E24 của chú, nhờ chú giúp tìm bạn bè, CCB của Liệt sĩ : Lê Thúc Bình Năm sinh: 1950 Quê quán: xã Đức Hòa - huyện Đức Thọ - tỉnh Hà Tĩnh Nhập ngũ: 9 -4 -1968 Ngày hy sinh: 11 - 2 -1971 Đơn vị: Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, trung đoàn 24, thuộc sư đoàn 304 GBT không ghi rõ nơi hy sinh chỉ ghi ở mặt trận Trị Thiên Theo 1 số thông tin gia đình biết thì thi hài được chôn gần bản Ka Ki Phìn, cách biên giới Việt - Lào khoảng 6 km thuộc Hướng Hiệp - Hướng Hóa - Quảng Trị. Khi hy sinh được chôn tập thể cùng 12 chiến sĩ trong đơn vị. Vậy nếu các bác, các chú nào biết thông tin về đơn vị như trên hoạc khu vực này xin cho gia đình biết tin. Theo thông tin chính xác thì Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, trung đoàn 24, thuộc sư đoàn 304 được phong danh hiệu Anh hùng LLVT. Cháu không biết chú có thể giúp cháu được không. Chờ tin chú.