-
Cây sa-mu trên đá
(13/07/2011 00:07:00)
-
...Đây, một nén hương giữa trời giữa đất để nhớ về đồng đội, những người
đi mãi chưa về! (NGUYỄN TRỌNG HÙNG)
Cây sa-mu trên đá
Truyện của Nguyễn Trọng Hùng
Có dễ gần hai chục năm rồi tôi mới lại về miền cao nguyên đá, nơi miên man đá đứng, đá ngồi tạo nên những hốc lớn, hốc nhỏ chỉ đọng một chút mùn đất cho mầm cây vươn lên. Tôi từng ngất ngây hút mắt nhìn lên những triền đồi, sườn núi mờ sương mà thầm thốt lên rằng: "Xanh như tuổi anh tuổi em/ Là hàng cây sa mu nhỏ/ Nắng sớm nâng vành ô lên/ Bàn tay chúng mình hoa nở...". Rồi tôi trở thành rể nơi đây sau khi xuất ngũ.
Dịp Tết rồi, nghe tin mẹ vợ yếu nhiều, anh em trong nhà hò hẹn nhau qua điện thoại về làm thượng thọ cho bà. "Cây sa-mu nhỏ" của tôi vi vu lời tê tái: "Đi được thì đi, bận thì thôi"! Có mà mặt mo - tôi nghĩ. Bố vợ tôi hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên hồi 1966, khi bà mới hai mươi chín tuổi. Một nách, bà nuôi bốn người con và lăn lộn với công việc của một chủ tịch hội phụ nữ huyện. Thời đánh Mỹ, bà là cô gái Tày đảm đang có tiếng ở tỉnh Hà Giang. Thời chiến đấu bảo vệ biên giới, bà còn vất vả hơn. Vợ tôi sinh con, bà bận là thế, nhưng vẫn chu cấp cho con gái cho tới lúc thằng nhóc đi nhà trẻ. Bà còn dạy chúng tôi cách làm bánh sắn, bánh khoai, cán mì sợi, nấu rượu ngô... bởi khi đó thời bao cấp nhiều khó khăn. Đến giờ, vợ tôi vẫn giữ hai kỷ vật bà cho là cái chậu thau tráng men to dùng tắm cho bọn trẻ và chiếc cối xay bột nước bằng đá.
Lễ thượng thọ mẹ vợ tôi đông đủ họ mạc. Bà vui nhưng vẫn nói ít, cười nhiều, mắt rơm rớm sương chiều, con cháu ngay trước mặt mà nhìn xa thăm thẳm. Vùng cao núi đá, trời vẫn thường quá mù thành mưa. Cây sa-mu khoẻ là cây sắt son trên núi đá. Hơn ba mươi năm sau giải phóng, bao cuộc kiếm tìm của anh em chúng tôi và các đồng đội, nhưng bố vợ tôi vẫn bặt vô âm tín ngoài cái giấy báo tử cũ kỹ được mẹ vợ tôi giữ như báu vật. Thế mà bỗng một ngày, cô em vợ làm ở Bưu điện tỉnh mang về một phong thư gửi từ một nơi nào xa lắc tận Đắc Nông đến một địa chỉ vu vơ chỉ có tên tỉnh là Hà Giang. Nhưng tên cha thì rõ mồn một sau mấy chữ: Kính gửi gia đình thân nhân liệt sĩ Viên Thế… Cô em kể, trong lúc thanh lý những lá thư không rõ cả địa chỉ người gửi lẫn địa chỉ người nhận, cô đã thấy lá thư này. Cô gào khóc toáng lên làm náo động cả cơ quan.
Thế là cây kơ nia Tây Nguyên đã tìm về được với cây sa-mu nơi vùng cao biên giới phía Bắc Tổ quốc này. Đã có người đi tìm mộ người thân hy sinh ở chiến trường, đi đến đâu ghi lại đến đó danh sách liệt sỹ và báo về địa chỉ y như địa chỉ trên tấm bia khắc vội cắm trên mộ. Theo lời trong thư, mộ bố vợ tôi nằm trong khu một mộ lẻ giữa rừng hẻo lánh nay mới được phát hiện. Gần như ngay lập tức, theo ý nguyện của bà, chúng tôi tìm đến khu rừng thiêng xa lắc ấy, đưa bố về. Bà mẹ vợ tôi hôm nay cười nhiều là như thế. Bà bảo, “lá rụng về cội” mà. Sa-mu xa vùng cao núi đá Hà Giang sa-mu không lớn được. Sa-mu biết tìm về quê đấy!
Nhưng ông già bác ruột vợ tôi thì khác. Ông thấy mặt chúng tôi là cất ngay "tiếng ca". Ông khảo chúng tôi một năm về thăm mẹ mấy lần? "Cái điện thoại là gì chứ, nó chỉ làm cho người già thêm khắc khoải, đau khổ hơn khi nghe tiếng con cháu mà không thấy mặt. Chẳng lẽ, khác tỉnh, khác huyện mà như bên trời tây?" - Ông bác dồn một hồi, rồi lại kể lể, chuyện nọ nhảy chuyện kia. Ông bảo, đã hai lần mẹ các cháu phải lên rừng xa chặt cây về dựng lại nhà bị cháy (một lần sơ ý, một lần bị pháo Tầu bắn). Các con nối nhau thoát ly, có đứa du học nước ngoài, nhưng trong cảm nhận ai cũng biết ơn người bố liệt sĩ nhiều hơn người mẹ lặng lẽ nơi góc núi. Về mừng thọ mẹ mà còn so bì với tiệc ngoài khách sạn, nhà hàng. Mua quà cho mẹ toàn những thứ tốn tiền nhưng chắc gì bà đã dùng, bởi lẽ cả đời bà quen thứ vải nhuộm chàm, nhuộm nâu hay loại vải tà-phủ rồi. Lại có đứa gạ bà bán quách nhà xuống thị xã ở trong ngôi nhà chẳng khác gì hộp đồ chơi của trẻ con... Những "bài ca" của ông bác cứ tâng tâng hết giai điệu này sang giai điệu khác, trách cứ, nhiếc mắng khiến lũ chúng tôi nín thinh như tảng đá kê chân cột nhà. Nhưng thế là vui!
Tôi nhìn bà mẹ vợ. Bà lại rơm rớm nước mắt, ngăn ông anh chồng dài lời: “Nói thế được rồi”- bà thủng thẳng. Với bà, lũ con cháu chúng tôi vừa là một phần đời bà, vừa là tất cả. Đứa nào bà cũng thương một trăm phần trăm, thương yêu thay cả phần của ông. Hồi chiến tranh biên giới, địa phương có chủ trương lập thị trấn huyện lỵ mới vào sâu trong nội địa để tránh hòn tên mũi đạn, bà cũng chẳng rời quê. Bà nói nôm na rằng, đi xa nhớ cái hồn đá, hồn cây lắm! Nhớ là phải vì chỉ có ở đó bà mới gặp lại chồng, mới thấy bóng hình trẻ thơ của các con. Cây sa-mu làm sao xa đất đá quê hương được!...
Còn tôi, tôi vẫn nhớ những lúc thả hồn về nơi biên giới: "Cầu mây ai bắc qua chiều/ Nỗi nhớ theo về đất mẹ/ Màu xanh thắp trên sỏi đá/ Bồng bềnh câu hát pu lêu...". Có lẽ mùa hè này tôi phải trở lại cao nguyên đá, lên nương sống một ngày với đá, với hàng sa-mu cùng tuổi mình và thăm cây sa-mu bách niên từng làm chứng cho những tình yêu...
NTH