-
MỘT KÝ ỨC KHÔNG BAO GIỜ QUÊN
(25/06/2011 00:06:00)
-
Nhân kỷ niệm 64 năm ngày Thương binh- Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2011), tôi có bài viết gửi trang web CCB E24, trước hết để trải lòng mình với đồng đội, sau để thắp cho anh nén hương nhân ngày Thương binh- Liệt sỹ. (HOÀNG THÁI TÔN)
Đây là một ký ức không bao giờ quên của thời trai trẻ khi tôi còn là chiến sỹ K5, E24 anh hùng; là nội khổ tâm, đã dày vò tôi suốt 36 năm qua mỗi khi nhớ tới anh.
Tôi và anh (Trần Ngọc Phú) gặp nhau ở chiến trường trong những ngày anh đang bị thương rất nặng. Tuy ở cùng Tiểu đoàn (K5- E24), nhưng anh ở C7, còn tôi ở Trung đội Cối 82. Ngày tôi bổ sung vào Tiểu đoàn (tháng 6 năm 1972), anh đã là cựu binh, tôi là tân binh. Tuy cùng hành quân vượt qua Đồng tháp Mười gập nước, qua nhiều đồn, bốt của địch; cùng vượt lộ 4 (nay là Quốc lộ 1), lộ Bến Tranh (Chợ Gạo) đầy hiểm nguy để xuống bám trụ Gò Công … nhưng tôi chưa có dịp gặp anh.
Ngày ở Gò Công, Trung đội tôi và C7 ém quân trong khu gò cây không cao quá đầu người, sâu bám đầy lá; bộ đội đào hầm sống ở dưới. Nhưng do điều kiện sinh hoạt, tôi vẫn chưa gặp được anh. Anh với tôi là đồng hương, cùng một huyện (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Xã anh cách xã tôi chưa đầy 4 km.
Vào một buổi sáng tháng 3 năm 1973, vừa đi gác về, tôi thấy có thương binh được đưa về Quân y Tiểu đoàn lúc đêm, do bị mìn claymo của địch phục kích trên đường ra cơ sở lấy gạo và nắm tình hình. Anh Nguyễn Hồng Hào, Trung đội trưởng của tôi (sau này anh lên Chính trị viên phó Tiểu đoàn và hy sinh tại Ngã Sáu, Cái Bè) gọi lại:
Tôn ơi, mày có đồng hương bị thương này!
Tôi quay lại hỏi: Ở đâu anh?
Anh trả lời: Đang nằm trên võng đàng kia kìa.
Rồi anh Hào đưa tôi tới gặp anh. Lúc này anh đang còn mê. Nhìn anh nằm trên võng máu bê bết đầy người và đang được băng kín. Anh bị quá nhiều mảnh mìn claymo của địch. Anh Hào lay anh dậy và nói rằng: Phú ơi, thằng Tôn cùng quê với Phú đây này!
Tôi cầm tay anh. Anh nói thều thào: Nghe tiếng đồng hương lâu rồi, nay mới gặp. Tôi vội nói rằng: Anh đang bị thương nặng, chịu khó nằm im cho vết thương chóng lành. Rồi anh nghe lời tôi, hai mắt lim dim như muốn nhắm lại.
Sau khi tìm hiểu, tôi được biết, thực ra, anh bị thương không nặng lắm đâu. Nhưng do điều kiện chiến trường ác liệt, không thể chuyển anh sang Bến Tre để cấp cứu và điều trị được. Vì đường vận chuyển thương binh đã bị địch phát hiện. Còn quân y Tiểu đoàn sau thời gian dài nằm bám trụ Gò Công cũng hạn chế thuốc men…
Từ hôm đó, ngày nào tôi cũng tới thăm anh. Nhìn anh nằm trên võng, tôi thương anh vô cùng. Phải chi anh mang vác cái gì nặng nhọc còn chia xẻ được. Đằng này, anh bị thương và đang nằm với khả năng tuyệt vọng…
Hai ngày sau, tôi đến thăm anh trong điều kiện tình trạng thương tật ngày càng nặng. Hình như anh biết anh sẽ ra đi, không còn khả năng sống được. Anh nắm tay tôi nói thều thào, nghe câu được, câu mất (vì lúc đó, tai tôi bị ù, điếc nhẹ do sức ép pháo hồi ở Cai Lậy): Tôn ơi, chắc anh không sống được lâu đâu. Nếu sau này Tôn có sống thì về quê thăm mẹ thay anh với. Anh chỉ còn mẹ già đang sống ở Quỳnh Tam.
Hai mắt tôi cay xè, run run trả lời: Anh cứ yên tâm, nếu còn sống, sau này tôi nhất định sẽ về thăm quê anh và mẹ…
Và chiều hôm đó, anh đã ra đi mãi mãi. Tôi thầm khóc và thương anh vô cùng. Tối hôm đó, tôi được đơn vị phân công đưa anh đi chôn cất.
Tại chiến trường Gò Công, việc chôn cất đồng đội vô cùng phức tạp. Vì sợ địch phát hiện mộ của ta, bọn chúng sẽ đào lên, đưa ra chợ để thị uy. Do vậy, trước khi đào huyệt, chúng tôi phải chắn các lớp cỏ và giữ nguyên. Sau đó đất đào huyệt được đựng trong lylon. Khi lấp xong huyệt, lát lớp cỏ trên trên để ngụy trang lại. Phần đất thừa được đưa ra kênh đổ…
Sau ngày giải phóng, tôi may mắn được trở về miến Bắc đầu năm 1976. Trong thời gian an dưỡng tại Đoàn 200, Quân khu 4, tôi có ghé Quỳnh Tam để hỏi thăm và tìm mẹ của anh. Nhưng UBND xã trả lời là ở đây không có ai tên Phú tham gia chiến trường B cả. Tôi thất vọng; một cảm giác buồn lâng lâng. Thế là tôi không thực hiện được lời hứa của mình đối với anh.
Đã 36 năm qua, dù công tác ở đâu, vào những dịp về thăm quê, tôi lại nhớ tới anh; nhớ tới lời hứa của mình trước lúc anh hy sinh. Nhưng tất cả đều thất vọng. Cho mãi tới tháng 12 năm 2010, tình cờ tôi truy cập được trang blog của E24 anh hùng, tôi cố tìm tên anh trong danh sách những người hy sinh do Ban Liên lạc CCB Trung đoàn cung cấp. Và tôi đã thấy tên anh. Đọc kỹ dòng quê quán, tôi thấy ghi quê anh ở Quỳnh Thiện, Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Tôi thầm nghĩ, sao trước khi hy sinh, anh còn dặn tôi về Quỳnh Tam thăm mẹ thay anh; bây giờ lại là Quỳnh Thiện? Bởi Quỳnh Thiện và xã tôi cùng nằm ở khu vực Hoàng Mai, cách nhau chỉ hơn 3 km. Thời chiến tranh, Quỳnh Thiện là nơi máy bay Mỹ bắn phá nhiều nhất (đường số 1 và cầu Hoàng Mai). Do vậy, có khả năng mẹ anh sơ tán lên Quỳnh Tam để tranh bom đạn của máy bay Mỹ.
Và từ ngày có thông tin này, do bận công tác nên tôi chưa có dịp về quê. Tôi thầm hứa với anh, nhất định sẽ về quê anh. Chỉ sợ một nỗi buồn, Mẹ không còn nữa…
Anh Phú ơi, bài viết này không phải để kể lại những gì mà em đã làm mà là để chia xẻ với đồng đội cũ của chúng ta về một kỷ niệm không bao giờ em quên được. Đây cũng là tấm lòng tri ân của những người (đồng đội của anh) may mắn còn sống sót sau chiến tranh đối với những người đã hy sinh anh dũng để giành độc lập cho ngày hôm nay. Đây cũng là nén hương xin được thắp cho anh nhân ngày Thương binh- Liệt sỹ (27/7). Cầu cho anh được siêu thoát, thanh thản nơi vĩnh hằng. Đồng đội chúng tôi luôn nhớ về các anh./.
Hoàng Thái Tôn
- 1 - Viết bởi Ngô Thị Thúy Hằng Cháu Hằng hỏi về ls Phú(18/07/2011 00:07:28)
- Chú ơi! trong danh sách của ls Nghệ an không có ai tên là Trần Ngọc Phú cả chú ạ. Liệu có thể nhầm quê của chú ấy không ạ? Marin có danh sách toàn bộ ls Nghệ an (38.515 ls). Cháu Hằng