-
ĐƯA QUÊ HƯƠNG VÀO VỚI ĐỒNG ĐỘI
(26/06/2009 00:06:00)
-
Xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và các bạn một Entry rất cảm động của anh Lê Bá Dương - Cựu chiến binh trung đoàn 27 Triệu Hải (Thuộc sư đoàn 390-Binh đoàn Quyết Thắng) trong chuyến về nguồn của các anh...
"ĐƯA QUÊ HƯƠNG VÀO VỚI ĐỒNG ĐỘI"
Xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và các bạn một Entry rất cảm động của anh Lê Bá Dương - Cựu chiến binh trung đoàn 27 Triệu Hải (Thuộc sư đoàn 390-Binh đoàn Quyết Thắng) trong chuyến về nguồn của các anh...
CÁC BẠN CÓ THỂ ĐỌC TRANG CỦA LÊ BÁ DƯƠNG [TẠI ĐÂY ]
Đưa quê hương
vào với đồng đội.
LÊ BÁ DƯƠNG
Những trang viết bằng ảnh này được thực hiện với sự đóng góp hình ảnh của các nhà báo: Lê Bá Liễu (tạp chí Văn Hiến Việt Nam) Triệu Gio Cam, Phạm Phú Thép (Báo Văn Hoá) Đạm Phương (Báo Nghệ An) Minh Hoàn (Hội nhà báo Quảng Trị)
Do việc xin và tập hợp các tư liệu ảnh của các đồng nghiệp gặp trở ngại về thời gian. Vì vậy trang ảnh về cuộc hành hương "Ấm rừng đồng đội" đã hoàn thành muộn và đến với bạn bè, đồng đội quá chậm trễ. Xin được thứ lỗi.
Trong trận chiến đấu khốc liệt một thời chiến tranh giải phóng, mỗi khi gạt nước mắt chôn cất đồng đội vào góc rừng , lòng đất chiến trường, những người lính chúng tôi vẫn tự thề rằng: Sau ngày miền nam giải phóng, đất nước hoà bình, chúng tôi sẽ trở lại tìm đưa các đồng đội về với gia đình, quê hương!
Vậy nhưng gần 40 năm ,khi ngoảnh lại những tháng năm dầm dã trận mạc... những trận chiến khốc liệt cứ như mới hôm qua!
Đó là một chiều cuối năm 1968, 7 người lính trinh sát vừa vượt vào Sáp Đa Mai, chân cao điểm 544 thì bị trúng bom toạ độ, cướp đi một lúc 5 đồng đội chúng tôi. Nhiệm vụ chưa tròn, 2 người lính còn lại đành bê đá suối, xếp thành mồ chôn đồng đội rồi tiếp tục vượt sâu vào nam đường 9. Hết chiến dịch quay ra... Sau một tuần mưa núi, cả 5 ngôi mộ xếp bằng đá đã bị trận lũ quét tràn qua cuốn theo di hài các đồng đội thân yêu...
Đó là một đêm tháng 6 năm 1969, vừa tập kết về khu kiềng sườn bắc 333, bỗng bất ngờ một loạt bom B52 trùm thẳng vào đội hình. Phần phật, và rát rạt như cơn lốc cuốn, khói bụi ken đặc quánh... vừa ngớt. Cả đại đội 67 người lính , chỉ còn nguyên tiểu đội tôi vỏn vẹn 6 người lính và đồng chí đại đội phó Hoàng Xuân Lục. 7 người lính 14 đôi mắt trân trối nhìn thân xác các đồng đội nát tan trong bãi bom. Dường như không chịu đựng được sự căng thẳng đến tột cùng, sau vài vòng đảo ngưòi chạy lên chạy xuống sườn cao điểm... Hoàng Xuân Lục đổ gục xuống. Và đêm đó, trong vàng vọt ánh pháo sáng từ chiếc A130 quần đảo trên không, 6 người lính, 12 bàn tay chúng tôi cào đến bật máu cho đến sáng... cũng chỉ gom góp được chưa đầy 10 ba lô hình hài các đồng đội chúng tôi...
Đó là đêm vượt sông đánh vào Bốt Lương Mai... Mới quãng giữa sông, cả đội hình đại đội bỗng phơi dưới dàn pháo sáng. Và từ phía bờ nam, đạn các cỡ từ phía địch bắn rát rạt... Đành để lại những đồng đội chìm khuất trong lòng sông, cả đại đội bươn bả vừa nổ súng vừa dấn thẳng về phía mục tiêu để dành về phía mình trận thắng, dẫu khi giáp bờ bên kia, cả đại đội hơn trăm người lính chỉ còn ngót một phần ba...Trận chiến cứ vậy phát triển vào sâu, để lại hơn nửa đội hình đồng đội tôi hoá vào lòng đất , lòng sông Quảng Trị ...
Và vậy nên ngót 40 năm, dẫu cố gắng đến tột cùng trong cuộc kiếm tìm. Dẫu đã mang hết tâm nguyện lần từng thước đất bờ khe...Nhưng ngoài một phần xương cốt của anh em đồng đội trong số những Liệt Sĩ còn nguyên di hài khi hi sinh được tìm thấy và đưa về các nghĩa trang Quảng Trị hoặc quê nhà... Còn lại vô vàn những đồng đội đã hoá tan thân xác vào với đất, với nước chiến trường xưa thì việc đưa các đồng đội về với quê hương thật sự khó khăn và là điều không thể.
Và cũng bởi vậy, trong niềm đau đớn, xót xa đến tận cùng, 253 người lính Trung đoàn 27 Triệu Hải (thuộc sư đoàn 390 Binh đoàn Quyết thắng) cùng các đồng đội các đơn vị thuộc mặt trận B5 từng chiến đấu trên chiến trường Đường 9-Bắc Quảng trị, hiện đang sinh sống tại các địa phương cả nước đã phối hợp với các đồng đội mặt trận Gio Cam - Đông Hà - Quảng Trị tổ chức cuộc " Hành hương ấm rừng đồng đội" về thăm lại chiến trường xưa, tìm đến những địa danh từng trực tiếp chiến đấu ở các huyện Gio - Cam , Triệu -Hải, thành cổ Quảng Trị... nơi từng là bãi sa trường bời bời khói lửa để viếng các đồng đội đã một đi không bao giờ trở lại.
Đau đáu một lời nguyền "Không đưa được đồng đội về với gia đình quê hương" thì mang quê hương vào với đồng đội!
253 người lính một thời " Ra đi từ thuở còn xanh/ Ngày về tóc đã hoá thành khói sương"... người trẻ nhất cũng đã 58 , già nhất cũng đã ngót 70 ...Tất cả lại ba lô, tăng võng về trở lại chiến trường xưa, nơi một thời: Đói cơm, đói cả thư nhà/ Người nằm lại khắp rừng già, rừng non.... Tại cao điểm Hồ Khê, họ đã có một đêm ngủ rừng, những mong chút hơi ấm của đồng đội ngày về sẽ thực sự làm "ấm rừng đồng đội".
Đau đáu một lời nguyền "Không đưa được đồng đội về với gia đình quê hương" thì mang quê hương vào với đồng đội!
Hành trang về chiến trường xưa của đoàn đồng đội Lạng Sơn là những cây đào Xứ Lạng, một bình nước sông Kỳ Cùng. Của đoàn Hà Nội là bình nước Hồ Gươm, nắm đất phù sa bãi bồi Sông Hồng. Một bình nước sông Nhật Lệ- lấy ngay bến đò Mẹ Suốt từng chở quân vào Nam của đoàn Quảng Bình... và không thể thiếu được đất và nước của quê hương nơi sinh ra trung đoàn 27 Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đất phải là đất Hoàng Thổ , nước phải là nước tinh khiết dòng Lam... Những người lính Nghệ An , Hà Tĩnh nơi sinh ra trung đoàn 27 Xô Viết Nghệ Tĩnh đã lên tận đỉnh núi Chung ở Kim Liên - Nam Đàn quê Bác để thắp hương bái lạy thổ thần quê hương để xin mang theo 3 hộp đất hoàng thổ lấy từ nơi cao nhất, khô ráo, sạch sẽ nhất non cao. Và để có nước quê hương, các đồng đội Nghệ An đã thuê thuyền ngược lên nguồn mà lắng lấy một bình nước tinh khiết nhất của dòng sông Lam ...
Sau 2 ngày đêm thăm lại những địa danh quen thuộc từng diễn ra những cuộc chiến đấu một thời trận mạc, cùng ăn cùng ở trong nhà dân theo chương trình "Đón bộ đội giải phóng về làng" tại Cam Thanh, Gio An , Triệu Trung, Đông Thanh..
Đất và Nước tinh khiết của quê hương đã theo bước hành hương của những người lính trở về thấm đẫm lư hương nơi đồng đội yên nằm, kết thúc bằng nghi lễ nhập thuỷ " Hoà nước sông quê vào lòng Thạch Hãn". Những mong Đất và Nước của nhiều miền quê cả nước vào tưới thẫm lư hương, nấm mồ và là bàn thờ chung các đồng đội, hoà vào lòng các dòng sông quê nơi các đồng đội đang yên nằm trong sự chở che của người và đất Quảng Trị ...Những mong các đồng đội cảm nhận được rằng: Thêm một chút Đất Nước quê nhà trong ấm áp nghĩa tình đồng bào chiến sĩ Quảng Trị, Quê Hương vẫn luôn gần gũi, ấm áp bên mình.
Gần 40 năm trở lại, những người lính một thời sinh tử bỗng như không có tuổi khi xúng xính trong trang phục giải phóng quân.
Dìn ơi, mày vẫn còn sống hả Dìn
Gặp lại các o du kích Gio Cam
40 năm gặp nhau mừng mừng tủi tủi
Bên tấm biển chỉ đường về "trạm" đón tiếp tại xã Cam Thanh
Người dân Cam Thanh lên tận "trạm" đón quân giải phóng về nhà
" Mẹ đón quân ta về nhà nghỉ lại..nắm tay mẹ hỏi giải phóng quân ơi..."
Cam Thanh đêm "Đón bộ đội về làng"
Đường hành quân trong mưa lên cao điểm Hồ Khê
nơi có khu lăng bia ghi danh các LS trung đoàn 27 do gia đình đồng chí Nguyễn Minh Kỳ , nguyên phó bí thư , chủ tịchUBND tỉnh Quảng Trị cùng các CCB trung đoàn 27 đóng góp xây dựng.
Lễ cắt băng khánh Thành giai đoạn 2 khu lăng bia Hồ Khê với sự tham gia của thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Uỷ viên Trung ương Đảng, thứ trưởng Bộ quốc phòng, nguyên là Trung đoàn trưởng trung đoàn 27
Đồng đội Lạng Sơn trồng cây đào xứ Lạng
Đồng đội Nghệ An đang hoá đất nước quê hương vào lòng đất nước chiến trường xưa Quảng Trị
Với tư cách đồng đội, thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu thắp hương tạiLLănngg bia ghi danh các đồng đội hi sinh tại Hồ Khê
Đồng đội thuộc sư đoàn 324 tại Hà Tĩnh tham gia lễ viếng
Vẫn tăng, vẫn võng...
Giữa mưa chiều Trường Sơn
Rừng xưa
Và những bữa cơm trên chiếc bàn ghép bằng cây rừng Trường Sơn
Thăm lại Cây đa, giếng nước sân đình làng Gia Bình - Gio An. Nơi hơn 40 năm trước, chiến sĩ Cao Như Thiêm thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn 27 dã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Bị thương sa vào tay giặc,dù bị tra tấn cực hình, đônghf chí vẫn kiên quyết không để lộ phiên hiệu đơn vị. Trước khi hi sinh đồng chí Thiêm đã dựa vào gố đa Gia Bình, ngẩng cao đầu hô "Đảng lao động Việt Nam muôn năm..Bác Hồ muôn năm...
Đồng đội về với Thiêm đông lắm, Thiêm ơi
Tại cây đa các đồng đội trung đoàn đã vận động và được anh Lê Văn Tuấn, một doanh nghiệp ở Hà Nội cùng các doanh nghiệp khác xây tặng dân làng ngôi đình làng và đặt phía trước đình tấm bia thờ các Liệt Sĩ đơn vị. Đây là một ngôi đình được những người lính cách mạng chung tay xây tặng đồng bào. Với tinh thần "Thờ Liệt sĩ tốt nhất là thờ trong lòng dân"
Nước các dòng sông quê đã hoà vào lòng giếng cổ Gio An
Đêm Gio An, các đồng đội và dân làng giao lưu trong lung linh hàng ngàn ngọn nến , nghe đồng chí Ngô Minh Hớn - một đồng đội già của trung đoàn đọc văn tế Liệt Sĩ một thời chung chiến hào Quảng Trị.
Lễ nhập thuỷ
và hoá nước sông quê vào lư hương tại bia thờ các LS tại trận địa chốt Ngô Xá Tây (Triệu Trung, Triệu Phong Quảng Trị)
Lễ viếng và hoá nước sông quê vào lư hương thành cổ Quảng Trị
Lễ Nhập Thuỷ tại bờ sông Thạch Hãn
Cùng với hơn 500 đồng bào , chiến sĩ thị xã Quảng Trị thực hiện nghi lẽ thảhoa và "hoà nước sông quê vào lòng Thạch Hãn"
"hoà nước sông quê vào lòng Thạch Hãn"
Đồng đội ơi, hương nước quê nhà
Được sự hỗ trợ tài chính của tập đoàn Technocom và ngân hàng phát triển Việt Nam cùng đóng góp của một số đồng đội. Trong những ngày thực hiện chương "hành hương ấm rừng đồng đội" đoàn hành hương đã trao 3 "sổ hương hoả" cho chi hội Cựu chiến binh địạ phương và 5 sổ tiết kiệm cho các đồng đội khó khănvới tổng số tiền 95 triệu đồng.
THÔNG TIN VỀ CUỘC HÀNH HƯƠNG
VỀ SỐ LƯỢNG
Có 12 đoàn và 7 cụm đồng đội tham gia.
Trong đó : Lạng Sơn 1 đoàn
Hà Nội: 2 đoàn + 2 Cụm đồng đội
Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 1 đoàn + 1 cụm đồng đội
Hà Tĩnh : 1 đoàn + 1 cụm đồng đội
Quảng Bình 1 đoàn
Nghệ An 3 đoàn + 2 cụm đồng đội
Đơn vị bạn: 6 đoàn (Sư 324 - Tiểu đoàn 27 - Đoàn 31, Trung đoàn 246 - Đoàn 15 và BLL Mặt trận B5)
Tổng cộng: 253 đồng chí tham gia hành hương.
Trong đó có: 16 cặp vợ chồng .
Người cao tuổi nhất: 76 tuổi, thấp nhất 58 tuổi
Có 6 thương binh nặng, thuộc diện nhà nước nuôi dưỡng. Số còn lại hầu hết là thương binh các hạng. Trong đó đặc biệt có 4 đồng chí là nạn nhân chất độc da cam, không có con, hoặc con bị dị tật.
Đặc biệt, nghe tin có cuộc hành hương, đã có 21 thân nhân Liệt Sĩ trực tiếp đi cùng các đoàn hành hương và tham dự đầy đủ các hoạt động trong chương trình
Người tổ chức và trực tiếp điều hành chương trình: Lê Bá Dương
CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH:
-Tổ chức lễ dâng hương viếng đồng đội , khánh thành giai đoạn 2 mở rộng khu lăng bia Hồ Khê. Kết hợp tổ chức chương trình ấm rừng đồng đội vào ngày 30/4/2009. Theo kế hoạch, trong ngày sẽ có các hoạt động giao lưu truyền thống với thanh niên địa phương và tổ chức "đêm ấm rừng đồng đội" Tuy nhiên do thời tiết, chương trình đã được rút gọn và chuyển về địa điểm mới là thôn Ba Thung (Cam Tuyền)
- Tổ chức thăm trận địa cũ, và thực hiện chương trình "Đón bộ đội về làng" tại Gio An, Triệu Trung Cam Thanh, Đông Thanh...
- Tổ chức lễ hoà đất và nước sông quê vào lòng đất, nước chiến trường xưa Quảng Trị tại các điạ phương : Cam Tuyền, Gio An, Triệu Trung, Thành cổ thị xã Quảng Trị..và điểm nhấn đặc biệt kết thúc chương trình là chương trình Hoà đất và nước sông quê vào lòng Thạch Hãn.
- Từ sự hỗ trợ của các cơ quan đơn vị, và sự đóng góp của các đồng đội, Đã đầu tư 40 triệu đồng xây dựng giai đoạn 2 công trình Lăng Bia ghi danh Liệt Sĩ Hồ Khê . Đồng thời trao nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm cho CCB có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó đặc biệt trao 3 "sổ hương hoả" cho các chi hội CCB địa phương trực tiếp chăm nom, hương khói cho các liệt sĩ. với tổng số tiền cả hai đợt là: 95 triệu đồng
Nguồn: http://lebaduong.vnweblogs.com
- 1 - Viết bởi Nguyễn Bá Sơn tìm mộ liệt sĩ(16/08/2015 11:08:23)
- chú tôi LS Nguyễn Bá Lộc.sinh 1944.quê Đông Quang Đông Sơn Thanh Hóa nhập ngũ tháng 2/1961.thượng sĩ trung đội trưởng đại đội 3 tiểu đoàn 3 E27 hi sinh ngày 6/6/1968 tại quang xá gio linh.giấy báo tử do quân khu 4 tiền phương,E27,số 192 ngô chí Bình ký.đồng đội với ông kể ông lộc làm b trưởng cảnh vệ E bộ mới tăng cường cho đại đội 3 được 6 hôm thì hi sinh.anh biết có địa chỉ số điện thoại những đồng đội còn sống thời kỳ đó dang ở các tỉnh thành anh cung cấp cho em vối