-
CHIẾN LŨY PHÁO ĐÀI VÀ BẾN ĐỖ CỦA NHỮNG CON TÀU KHÔNG SỐ
(21/04/2022 01:04:17)
-
Năm 1987, Lũy Pháo Đài được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2000, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang đã tiến hành xây dựng nhà bia di tích Lũy Pháo đài
Ngày 20 Tháng 4/2022 tôi cùng nhóm phóng viên báo Ấp Bắc được ông Sáu Thành (nguyên Phó Chủ tịch huyện Gò Công Tây) và ông Đặng Văn Thương cán bộ Văn hóa, Bảo tàng của Gò Công, mời về cù lao Tân Phú Đông để thăm và tìm hiểu thêm về CHIẾN LŨY PHÁO ĐÀI, về dấu tích ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN và huyền thoại về bến đỗ của những CON TÀU KHÔNG SỐ trên vùng đất Gò Công một thời oanh liệt...
Nha biaa |
Trước tiên chúng tôi đến thăm Di tích Lũy Pháo Đài, gắn bó với những chiến tích oanh liệt của người Anh hùng dân tộc Trương Định.
Theo tư liệu của tiến sĩ (TS) sử học Nguyễn Phúc Nghiệp (Trường Đại học Tiền Giang), Di tích này thuộc ấp Pháo Đài (Phú Tân, Tân Phú Đông) nằm ngay ở sông Cửa Tiểu. lịch sử Lũy Pháo Đài như sau: Để bảo vệ Cửa Tiểu, năm Minh Mạng thứ 15 (năm 1834), triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây Đồn Từ Linh, chu vi 60 trượng (378m, cao 5 thước 5 tấc (2,57m), mở hai cửa. Năm Thiệu Trị thứ 3 và thứ 7 (1834-1847) được sửa chữa lại.
Sau khi thành Định Tường thất thủ, tháng 4-1861, Trương Định về Tân Hòa xây dựng căn cứ kháng Pháp. Đồn Từ Linh được sử dụng làm chiến lũy, gọi là chiến lũy Pháo Đài, có trang bị súng thần công loại lớn (vị trí đặt khẩu thần công trước kia nằm tận ngoài giữa hai hướng cửa thành Tây và Tây Bắc cạnh đầu bờ sông Cửa Tiểu và rạch Đồn chừng 60m).
Lũy Pháo Đài xung quanh là thành đất đắp cao, dày có 6 cạnh cân đối khá đều nhau, thành hình lục lăng (lục giác), trên thành đất trồng me, chính giữa có cây trôm to và giếng nước. Theo hướng Đông-Nam, pháo đài có một gò tròn cao 21m tên Thổ Sơn, đường kính 15-20m, được xem là đài quan sát của nghĩa quân.
Ngoài ra, để làm tàu địch giảm tốc độ và làm bia cho những khẩu thần công để đẩy địch dạt sang bờ Trại Cá cho nghĩa quân tiêu diệt, Trương Định đã đổ đá hàn một đoạn theo chiều rộng của sông Cửa Tiểu trước chiến lũy về hướng Tây gọi là đập đá hàn.
Đập này ngày nay vẫn còn và đã được đánh dấu để tàu bè ra vào không vướng. Suốt cả quá trình tồn tại, chiến lũy Pháo Đài đã cùng nghĩa quân trấn giữ một cửa biển quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 1987, Lũy Pháo Đài được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2000, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang đã tiến hành xây dựng nhà bia di tích Lũy Pháo đài. Nhà bia với kiến trúc đẹp, thoáng mát và trang nghiêm với chiều cao 9,4m, rộng 84m2, mái ngói, cột bêtông, nền tôn cao 2m so với mặt đất và đã tiến hành phục chế 2 súng thần công...
Di tích này không chỉ là điểm tham quan mà còn trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” cho thế hệ trẻ về một quá trình dựng nước và giữ nước hào hùng của cha ông.
Ong Nam Duoc |
Rời chiến lũy Pháo Đài, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Được (Năm Được), chứng nhân và là người trực tiếp tham gia vận chuyển và bảo vệ những hầm vũ khí của những con tàu không số, vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào trang bị cho miền Nam. Thật bất ngờ khi thời chống Mỹ, Gò Công được coi à "Vùng trắng" vì địch đánh phá ác liệt, tưởng như không thể tồn tại một cơ sở Cách mạng nào, thì nơi đây vẫn là nơi tập kết của những "Chuyến tàu không số", và hàng chục ngàn tấn vũ khí của ta được vận chuyển dấu vào rất nhiều những hầm ngầm bê tông kiên cố, để cung cấp cho Cách mạng. Vùng đất huyền thoại với những con người như bà Từ Linh, ông Tám Mẹo... đã lưu danh thành tên Vùng Đất, tên những dòng kênh...
Trò chuyện cùng hai anh em ông Năm Được và ông Sáu Thành, chúng tôi được biết: Căn nhà của Mẹ ông xưa kia từng là căn cứ bí mật nơi chỉ đạo vận hành thực hiện vận chuyển và cất giữ vũ khí chuyển vào từ "Tàu không số". Thật cảm phục vì gia đình ông có tới 3 liệt sỹ, hai thương binh nặng. Mẹ ông được nhà nước phong tặng danh hiệu MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG.
Chúng tôi đứng chụp hình lưu niệm trước khu đất nhà ông (nơi đặt làm căn cứ chỉ huy xưa), và tới viếng mộ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG Phan Thị Tú để ngưỡng mộ và tri ân những con người của Gò Công bất khuất kiên trung...
Tạm biệt vùng đất thiêng bên bờ Cửa Tiểu. Chúng tôi sẽ còn quay lại, bởi ước vọng của Nhân dân là sẽ xây dựng tại nơi đây, BIA TƯỞNG NIỆM BẾN ĐỖ CỦA NHỮNG CON TÀU KHÔNG SỐ, làm nên kỳ tích huyền thoại "Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển"
.
Tân Phú Đông, ngày 20/4 năm 2022
Nguyễn Mạnh Bình